Chính sách xã hội được triển khai tích cực, hiệu quả
Lượt xem: 112

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của BCH Trung ương Đảng, khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Huyện Vân Hồ đã quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban liên quan cụ thể hóa, lồng ghép các nội dung Nghị quyết vào các chương trình, kế hoạch của huyện; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và các đối tượng thuộc diện thụ hưởng. Đến nay, toàn huyện có 2.010 người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 137 người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và thân nhân người có công. Bên cạnh đó, công tác y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tỷ lệ người tham gia BHXH cũng có những chuyển biến tích cực.

Theo đó, công tác ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn nhận được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm; Thường xuyên thăm hỏi, tặng quà người có công nhân các dịp lễ, tết, ốm đau, bệnh tật; Rà soát, lập danh sách và thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, mai táng phí cho người có công và thân nhân người có công đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; tổ chức điều dưỡng tập trung, điều dưỡng tại gia đình, hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình. Hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 577 hộ gia đình người có công và thân nhân người có công với cách mạng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã sử dụng phần lớn kinh phí để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà bia tưởng niệm các xã; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được quan tâm, triển khai thực hiện, qua đó nhiều hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện.

Hàng năm, huyện đã phối hợp với Sở LĐ, TB&XH tỉnh; Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh; các Doanh nghiệp, Nhà máy và các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn và người nghèo nhằm trang bị kiến thức, trình độ để áp dụng vào sản xuất phát triển kinh tế; tham gia làm việc tại các Doanh nghiệp, Nhà máy,...; Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh các thông tin về tuyển dụng lao động, giới thiệu việc làm, huyện cũng lồng ghép tuyên truyền thực hiện chính sách pháp luật, qua đó giúp người lao động hiểu rõ các chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động, tuyển dụng lao động trong nước.

Công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Thể hiện rõ nhất là cở sở hạ tầng không ngừng được đầu tư kiên cố, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Sản xuất đang phát triển theo hướng hàng hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan môi trường nông thôn dần được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm từ 4-5%/năm, đạt mục tiêu đề ra.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng đều qua các năm. Nếu năm 2015, số người tham gia bảo hiểm xã hội của huyện là 2.166 với 2.094 người tham gia bảo hiểm bắt buộc và 72 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì đến năm 2021, số người tham gia bảo hiểm đã tăng lên 4.483 người, trong đó bảo hiểm bắt buộc là 2.309 người, bảo hiểm tự nguyện là 2.174 người. Các chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là các đối tượng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, người khuyết tật, người cao tuổi, đơn thân nghèo nuôi con... Công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai, phải di dời nhà ở, nhà bị cháy, sập, trôi; gia đình có người bị thương, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, hỗ trợ gạo thiếu đói giáp hạt, dịp tết... qua đó góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, nhất là các vấn đề y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin liên lạc, truyền thông,…Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, huyện cũng chú trọng đầu tư các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Năm học 2020-2021, số trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt 100%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ trẻ em 11 tuổi vào lớp 6 đạt 97,9%; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%; trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97,3%; trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 93,47%; thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp THCS hoặc THCS hệ bổ túc đạt 88,9%.

Các chương trình, đề án về y tế, nhất là đề án khắc phục quá tải ở các bệnh viện được triển khai nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các tuyến cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin đạt 94% vào năm 2016 và tăng lên 96% vào năm 2021; toàn huyện duy trì bền vững thành quả thanh toán bại liệt, uốn ván sơ sinh. Việc cấp, phát thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng đảm bảo đúng người, đúng quy định, đến năm 2021 trên 90% dân số của huyện tham gia bảo hiểm y tế. Có hơn 2.000 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ cải thiện nhà ở từ các nguồn vận động, hỗ trợ khác nhau. Mạng lưới thông tin cơ sở, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được củng cố và phát triển. 14/14 xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình mặt đất và 100% các xã có hệ thống truyền thanh xã.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Vân Hồ sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách xã hội đến từng người dân, khuyến khích, vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng toàn diện, bao trùm, bền vững. Chuyển dần các chính sách hỗ trợ mang tính trực tiếp cho người dân nghèo sang các chính sách khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn và đến năm 2045, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

T/h: Kiều Anh 

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập