Vân Hồ quan tâm phát triển vùng trồng cây dược liệu quý
Lượt xem: 483

Với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm và thảm thực vật phong phú, huyện Vân Hồ đang sở hữu hàng trăm loài cây thuốc quý và lưu giữ nhiều bài thuốc dân gian, có khả năng chữa bệnh tốt. Để phát huy tiềm năng, lợi thế này, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trồng mới 1.000ha cho 20 loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao và khoảng 1.000ha tiếp theo cho giai đoạn 2026 - 2030.

          Qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng và nguồn dược liệu quý tại huyện Vân Hồ cho thấy, việc phát triển dược liệu của huyện vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu chưa chặt chẽ dẫn đến khả năng cạnh tranh tiêu thụ dược liệu còn hạn chế ...Để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và góp phần giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Vân Hồ, việc khai thác tiềm năng lợi thế từ tài nguyên rừng bằng con đường phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng thành hàng hóa, tập trung theo chuỗi giá trị là một hướng đi phù hợp và mang tính hiệu quả cao.

          Hiện nay, toàn huyện có hơn 55.025ha rừng với đa dạng các loài dược liệu quý như Thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện, hà thủ ô…đang sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Cùng với định hướng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với phát triển cây dược liệu của Bộ NN&PTNT và chủ trương của tỉnh, huyện Vân Hồ đang khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm nghiệp, trong đó có cây dược liệu. Từng bước chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, bền vững nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, từ đó tạo chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

          Để hoàn thành chỉ tiêu 1.000ha trồng cây dược liệu đến năm 2025, huyện đang chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, giá trị; nhân rộng các mô hình trồng dược liệu tại các xã có điều kiện khí hậu phù hợp, hình thành mô hình, chuỗi sản xuất, tiêu thụ liên kết với thị trường; phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo hướng sản xuất quy mô lớn tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đặc biệt là CNC vào sản xuất. Quan tâm hỗ trợ các HTX trên địa bàn trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu, tiến tới xây dựng 1 Nhà máy chế biến dược liệu tại huyện làm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho bà con, góp phần nâng cao thu nhập từ 1,5 - 2 lần cho các hộ gia đình tham gia dự án so với hiện tại, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 5%/năm.

          UBND huyện cũng đã giao các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng phương án phát triển cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao trên địa bàn; hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng thâm canh cho 20 loài cây dược liệu quý của địa phương đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới WHO. Lựa chọn xây dựng các mô hình điểm về sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm tại các mô hình phát triển công nghệ được lựa chọn. Hình thành hệ thống chuỗi giá trị dược liệu với sự tham gia của các chủ thể là hộ gia đình, doanh nghiệp, HTX, các cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công, các nhà khoa học, cung ứng đầu vào…phấn đấu tạo thương hiệu và quảng bá cho 10 sản phẩm dược liệu quý gắn với chỉ dẫn địa lý của tỉnh Sơn La. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án đầu tư hỗ trợ trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện được trích từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

          Quá trình triển khai dự án, huyện cũng sẽ quan tâm hỗ trợ 10 HTX, Tổ hợp tác trên địa bàn và ít nhất 1 - 2 doanh nghiệp lớn trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm dược liệu; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm viên và người dân về kỹ thuật trồng trọt, thu hái và chế biến sản phẩm dược liệu cũng như lâm sản ngoài gỗ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen; tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm về cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ đặc hữu thông qua các website, trang thông tin điện tử chính thống.         

         Phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành 1 trong những cây trồng “chủ lực” giúp người dân vùng dự án nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo.

          T/h: Lan Anh

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập