Vân Hồ cơ hội thu hút đầu tư và Du lịch
Lượt xem: 958

Vân Hồ, là hành lang gắn kết phát triển du lịch Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam với nước Cộng hòa DCND Lào và các nước trong tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng. Với lợi thế của vùng đất thiên thời, địa lợi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đang hướng tới xây dựng Vân Hồ trở thành huyện có nền kinh tế phát triển bền vững gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, hứa hẹn mang đến cho du khách một bầu không khí hưởng thụ, thông thoáng và thư giãn.

          Nói đến Vân Hồ vùng đất trù phú với khí hậu mát mẻ quanh năm, không thể không nói đến những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp trải dài trên các triền đồi, những thung lũng hoa đào, hoa mận, hoa cải trắng hồng và cả các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng hay các Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc nơi đây. Cùng với một lộ trình quy hoạch tổng thể xây dựng khu trung tâm hành chính chính trị huyện và các hạng mục đường giao thông nội bộ, hệ thống quảng trường, công viên vui chơi, giải trí, trung tâm dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khách sạn nhà hàng.... kết hợp hài hoà với địa hình đồi núi thành một tổng thể thống nhất để hình thành các điểm đến thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến với huyện.... Tất cả đã và đang hiện hữu tạo tạo nên một bức tranh Vân Hồ sầm uất đang dần được hình thành với niềm tin mang đến cho du khách một cảm giác tham quan, thư giãn thật sự thú vị.

Một trong những điểm nhấn được huyện quy hoạch đầu tư xây dựng trở thành không gian tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, các Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc phải kể đến khu du lịch sinh thái Sao Đỏ, xã Vân Hồ. Nếu như ngày xưa các hoạt động Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian của đồng bào Mông chỉ được tổ chức với quy mô nhỏ lẻ thì nay đã được tổ chức với mô lớn hơn nhằm thu hút du khách thập phương đến thăm quan, tìm hiểu và chiêm người. Các Lễ hội được diễn tại Khu du lịch sinh thái Sao Đỏ, bản Hua Tạt xã Vân Hồ và các bản Lóng Luông, Co Lóng, Co Chàm của xã Lóng Luông thì nay đã được đưa về tổ chức khu du lịch sinh thái Sao Đỏ, xã Vân Hồ.

          Có thể nói, nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách thập phương là Ngày hội sắc màu Vân Hồ. Ngày hội được tổ chức vào các ngày 29, 30, 31/8 và ngày 1/9 hằng năm tại Khu du lịch sinh thái Sao Đỏ, xã Vân Hồ. Trong thời gian tổ chức Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động Thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; Hoạt động văn hóa cộng đồng; Hội thi ẩm thực của các dân tộc như giã bánh dày, thi nấu cơm, thi trưng bày triển lãm gian hàng giới thiệu về bản sắc văn hóa của các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao... Mỗi lần tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm của các dân tộc, là mỗi lần du khách được tìm hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng trong bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các chị, các cô gái của đồng bào các dân tộc.

Nằm cạnh điểm quy hoạch xây dựng khu trung tâm hành chính-chính trị huyện và không gian tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao là khu vực hồ Sao Đỏ. Với tổng diện tích là 34,17 ha, khu du lịch văn hóa sinh thái Hồ Sao Đỏ được quy hoạch đầu tư xây dựng chuỗi hồ nước sinh thái Sao Đỏ, cải tạo Suối Lìn, xây kè bờ, đường đi và trồng cây xanh công viên, vườn hoa, tạo thành hạt nhân gắn kết không gian quần thể của một công trình mang kiến trúc đặc trưng, đáp ứng yêu cầu môi trường sinh thái phục vụ du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Ở  phía xa là các dãy núi cao, thấp trải dài dọc theo Khu trung tâm hành chính, chính trị huyện đã và đang được huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Vân Hồ quy hoạch để trồng đào, trồng mận, trồng cam, quýt…. những loài cây ăn quả nổi tiếng (đào địa phương) gắn liền với các cư dân miền sơn cước của Tổ quốc. Mùa xuân về những hoa mơ, hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc nở trắng hồng hay những vườn cải trải dài trên khắp các triền đồi của một thị trấn tương lai dường như càng làm tô điểm cho vẻ đẹp Vân Hồ thêm lung linh, huyện ảo.

    Nếu như khu du lịch sinh thái Sao Đỏ được quy hoạch xây dựng thành quần thể công viên cây xanh, du lịch sinh thái, không gian văn hóa văn hóa của đồng bào Mông, Thái, Mường thì bản Suối Lìn được lựa chọn quy hoạch xây dựng thành khu du lịch văn hóa cộng đồng của đồng bào Dao với hệ thống kiến trúc không gian hiện đại đáp ứng nhu cầu đến thăm quan nghỉ dưỡng, ngắm cảnh.

    Suối Lìn là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Dao, ngôi nhà của họ vẫn duy trì được kiến trúc truyền thống từ chất liệu gỗ tự nhiên. Đến khu du lịch cộng đồng Suối Lìn ngoài việc được tìm hiểu các phòng tục tập quán, tham quan, ngắm cảnh; du khách còn được tham gia một số chương trình du lịch với nhiều hoạt động thú vị như: nghỉ đêm tại nhà dân, thưởng thức các món ăn dân dã, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, múa xòe, hát giao duyên hay được thưởng thức Lễ Lập tịnh  và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc khác...

Về với Vân Hồ du khách không những được đắm mình trong các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc nơi đây hay thoả sức đắm mình trong tiếng khèn, tiếng khắt, những lời ca điệu múa ngất ngây trong men rượu mến khách của đồng bào các dân tộc huyện Vân Hồ mà du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của khu rừng thông Vân Hồ. Với diện tích trên 158,5ha, trải dài gần chục km trên những ngọn đồi nhấp nhô dọc theo Quốc lộ 6 từ bản Hua Tạt, một bản du lịch văn hoá cộng đồng đến điểm cuối đất Vân Hồ; phía dưới chân những đồi thông xanh mướt là hồ Bó Nhàng, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với một lộ trình quy hoạch xây dựng huyện Vân Hồ trở thành huyện phát triển gắn với dịch vụ du lịch thì nơi này hứa hẹn sẽ là điểm du lịch kết hợp hài hoà giữa cảnh vật thiên nhiên và non nước hữu tình, góp phần làm cho miền đất, con người Vân Hồ thêm phần thơ mộng và mến khách.

Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, những yếu tố rất thuận lợi để phát triển các loại cây ôn đới, á nhiệt đới, đặc biệt là gieo trồng các loại giống cây dược liệu như actisô, bạch truật, dương cam cúc, đương quy, huyền sâm, giảo cổ lam và nhiều cây dược liệu quý khác. Tất cả đã được huyện Vân Hồ đưa vào quy hoạch phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc; bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loại dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật-công nghệ tiến tiến, mang lại thu nhập cao, bền vững cho nông dân. Trong tương lai, nơi đây sẽ là địa chỉ chữa bệnh, giới thiệu nam dược, nghỉ dương cao cấp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, thư gian dành cho du khách và nhân dân trên.

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm trên những đồi chè xanh mơn mởn. Nhấp nhô trên cánh đồng chè, những cô gái miền sơn cước tay thoăn thoắt hái từng búp chè xanh biếc, miệng luôn tươi cười trò chuyện với nhau tạo nên một bức tranh đồng quê thật thanh bình.

Chia tay với quần thể du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng tại khu khu vực Sao Đỏ, bản Suối Lìn, được tham gia vào các hoạt động văn hóa cộng đồng, trải nghiệm với những trò chơi dân gian, Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường... du khách còn được đắm mình trong dòng chảy của cảnh quan thiên nhiên thơ mộng của những Suối Cá, thác Tạt nàng, suối nước nóng ở xã Chiềng Yên. Thưởng thức phong cảnh sơn thủy hữu tình của tuo du lịch vùng lòng hồ Sông Đà, nơi còn đó những đền chúa Hang Miếng, di tích Hũ rượu Ngàm bản Lòm xã Quang Minh, Đội du kích Pơ Tào, Hang Pông xã Mường Tè hay khu di tích khảo cổ hang mộ Tạng Mè ở Suối Bàng.

Suối cá trước đây, dân bản gọi là suối cấm, nhưng nay thì nó được cả bản trìu mền gọi là suối cá. Lấp sau những chiếc lá cỏ voi mỏng manh trên thượng nguồn, đám trẻ em gái ngụp lặn, bơi đùa như những nàng tiên cá. Dưới chân chúng, miên man là cá, tung tăng bơi lội, trêu đùa với lũ trẻ.

         Ẩn mình dưới làn nước trong xanh, tập trung quan sát du khách có thể  thấy những đàn cá tung tăng bơi lội, trải nghiệm cảm xúc được nô đùa dưới làn nước mát lạnh và tận hưởng cảm giác từng đàn cá nhỏ bơi quanh chân.

          Rời suối cá, từ xa du khách đã được ngắm nhìn thác như 1 dải lụa trắng “vắt trên vai người thiếu nữ”. Thác cao khoảng trên dưới 100m, chia thành 2 nhánh, cách nhau khoảng từ 3 đến 5m. Thác Tạt Nàng đẹp nhất vào tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, khi những cơn mưa mang lượng nước lớn đổ về, toàn bộ thác rộng 30m, ngày đêm đổ tung bọt nước trắng xóa, không chỉ mang đến cho du khách sự thích thú trước một khung cảnh vừa huyền bí vừa kỳ vĩ của đất trời mà còn cảm giác sảng khoái khi được hòa mình vào những ngọn gió mang hơi nước mát lành.

Đối với Suối nước nóng ở đây có nhiệt độ vừa phải, chỉ khoảng từ 30 đến 400C và nóng quanh năm. Không nóng đến độ tạo thành những làn hơi trên mặt nước, nhưng khi ngâm mình trong làn nước ấm nóng không chỉ tạo cho du khách một cảm giác vô cùng thư thái mà với nòng độ khoáng cao, nước ấm nóng ở đây còn rất có lợi cho sức khoẻ. Sau khi được đắm mình trong làn hơi ấm của nước nóng, du khách có thể thưởng thức văn hoá ẩm thực dân tộc như cỗ lá lợn thui, canh gà măng chua, cơm lam, cá suối rừng…và đặc biệt là ốc mút…

Tối về, bên những nếp nhà sàn xinh xắn, trong tiếng nhạc đắm say và tình người tây bắc, du khách được thưởng thức những điệu múa, những lời ca tiếng hát mang đậm bản sắc dân tộc do chính những người dân lao động biểu diễn và cùng hoà mình vào các điệu múa xoè hoa để rồi lưu luyến bước chân trở lại.        

Sau khi được tham quan, chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh quần thể du lịch xã Chiềng Yên, vùng sông nước, mời du khách ngược về vùng biên giới Việt - Lào để tận hưởng phong cảnh ngoạn mục, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện với con người nơi khu danh thắng rừng Pa Cốp; khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha. Tất cả những cảnh sắc thiên nhiên hoà quyện với truyền thống văn hoá của người dân bản địa đã tạo thành điểm nhấn danh thắng sinh thái cho những du khách vốn quen với du lịch đi bộ, leo núi khám phá văn hoá dân tộc và nghiên cứu sinh học. 

Khu du lịch Vân Hồ hình thành sẽ là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng lý tưởng. Và cùng từ Vân Hồ, du khách có thể kết nối các điểm du lịch vệ tinh như: quần thể du lịch sinh thái Chiềng Yên, khu du lịch vùng Lòng hồ Sông Đà hay ngược về miền biên giới Việt - Lào để trải nghiệm với khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, Khu danh thắng rừng Pa Cốp. Tất cả sẽ kết nối thành tuor du lịch xuyên suốt Vân  Hồ - Mộc Châu - Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc; Vân Hồ - Mai Châu, Hòa Bình kết nối Hà Nội với các tỉnh miền xuôi...

         Có thể nói, tiềm năng du lịch của Vân Hồ không chỉ nằm ở những gì thiên nhiên ban tặng, đằng sau những tuyệt tác của khí hậu, của phong cảnh thiên nhiên, của di tích lịch sử còn có cả trong những nét văn hoá truyền thống đậm nét của cư dân nơi này. Một lễ hội Hoa Ban (Sên bản - Sên Mường) của dân tộc Thái, một Lễ hội Nào sồng của người Mông hay một lễ Lập tịnh đầy trang nghiêm của người Dao và nhiều Lễ hội đặc sắc khác của đồng bào các dân tộc của huyện mới Vân Hồ đã từng làm du khách ngây ngất với tiếng khèn, tiếng khắp ngọt ngào bất tận. Đặc biệt, du lịch Vân Hồ nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2050 ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả sẽ tạo nên một Vân Hồ kỳ diệu, quyến rũ mà không nơi nào có được. Một vùng địa linh đã có những yếu tố thiên thời, địa lợi, nay cái thiếu nhất chính là bàn tay của con người. Sự ưu ái đặc biệt của thiên nhiên sẽ chỉ là nền tảng, việc tác động có định hướng của con người mới là nhân tố quyết định cho sự hình thành của các tuô du lịch, để du khách gần xa có cơ hội khám phá hết vẻ đẹp của xứ sở Sương mù Vân Hồ - Hòn ngọc miền Tây Bắc của Tổ quốc.

T/h: Mùa Sơn

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập