Vân Hồ tăng cường hướng dẫn kỹ năng số cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng
Lượt xem: 310

Triển khai thí điểm việc thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 160 của UBND tỉnh Sơn La, UBND huyện đã hướng dẫn các xã thành lập được 14 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, 68 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp bản, tiểu khu, qua đó kịp thời giúp người dân vận hành, khai thác và hưởng lợi từ công nghệ số.

Theo đó, thành phần của Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã là những người đang sinh sống, công tác trên địa bàn, có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, có thể kể đến như đội ngũ Công an viên, cán bộ, giáo viên, y tế, đảng viên đương chức đang công tác tại các đoàn thể của xã, nhân viên các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT, người dân có khả năng sử dụng các nền tảng số do Bí thư Đoàn thanh niên xã trực tiếp làm Tổ trưởng. Tương tự đối với Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp bản sẽ do Trưởng bản, Tiểu khu làm Tổ trưởng. Việc triển khai thí điểm mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng không chỉ góp phần đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân nhằm thúc đẩy chuyển đổi số mà còn giúp người dân tiếp cận và vận hành thích ứng với môi trường số, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi mạnh mẽ hơn, hướng tới kết nối chung mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc trên cả 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Ngay sau khi thành lập, Tổ Chuyển đổi số cộng đồng đã thực hiện nhiệm vụ là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, người dân trong bản, tiểu khu; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ và vừa ở địa phương thực hiện các bước cài đặt ứng dụng nền tảng số để chuyển hình thức tiêu thụ sản phẩm từ giao dịch truyền thống sang giao dịch trên sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử; thực hiện hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu về Y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch…

Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng từng hộ gia đình, người dân trong bản, tiểu khu, đảm bảo tiếp cận với người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề. Mỗi Tổ chuyển đổi số cộng đồng có từ 5-10 thành viên, trong quá trình hoạt động sẽ kết nạp thêm các thành viên mới trên địa bàn xã, bản, tiểu khu, có nguyện vọng tham gia Tổ chuyển đổi số cộng đồng. Từ 10 thành viên trở lên, các địa phương nghiên cứu thành lập các nhóm cộng tác viên, nhằm đảm bảo hiệu quả trong triển khai thông tin đến người dân một cách kịp thời. Công tác quản lý, điều hành của Tổ chuyển đổi số cộng đồng được thực hiện qua ứng dụng zalo. Ngoài các thành viên trong Tổ, còn có chuyên viên Phòng Văn hoá và thông tin huyện; phòng CNTT - Viễn thông, Sở TT&TT, các doanh nghiệp Bưu chính viễn thông. Định kỳ báo cáo kết quả về UBND huyện qua Phòng VH&TT vào ngày 20 hàng tháng.

Sau hơn 2 tháng triển khai thí điểm mô hình, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, CCVC, nhân dân các dân tộc trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số. UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã phổ biến kỹ năng số cộng đồng đến thành viên các Tổ và người dân thông qua các video bài giảng, tài liệu dạng text, slide, info thuộc danh mục tài liệu hướng dẫn của Bộ TT&TT biên soạn. Trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart; các nền tảng số Việt Nam, …Chủ động tham gia các khoá bồi dưỡng phổ cập kỹ năng số cộng đồng trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ TT&TT thông qua ứng dụng zalo, quét mã QR code hoặc truy cập đường link https://onetouch.mic.gov.vn/phocapkynangso; lan toả 2 kênh zalo và viber để tuyên truyền đến các thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng các thông tin hữu ích, các câu chuyện thực tế về triển khai chuyển đổi số của các địa phương.

 Tuy vậy, thực tế cho thấy, mặc dù thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng của huyện đã biết cài đặt, sử dụng các phần mềm liên quan, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định về năng lực hướng dẫn người dân trên địa bàn giải quyết các dịch vụ công qua máy vi tính, điện thoại thông minh; trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân, nhất là về triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn hạn chế; cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn thiếu đồng bộ…Điều này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện cần tham mưu, mở các lớp tập huấn để trang bị kiến thức, kỹ năng cho thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với nhiệm vụ phát triển KTXH, đảm bảo QPAN tại địa phương, đơn vị; phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

T/h: Lan Anh

1 2 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập