image banner
Tài nguyên thiên nhiên huyện Vân Hồ

1. Tài nguyên đất

- Trên địa bàn huyện Vân Hồ có các nhóm đất chính sau:

+ Nhóm đất Feralit đỏ vàng trên núi đá (F4): 25.965 ha, chiếm 26,5% tổng diện tích đất tự nhiên, chủ yếu phân bố các xã vùng dọc sông Đà.

+ Nhóm đất nâu trên đá vôi (FQV): 548 ha, chiếm 0,56% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu tại xã Vân Hồ và Xuân Nha.

+ Nhóm đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa: 421 ha, chiếm 0,43% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu tại xã Chiềng Khoa, xã Xuân Nha và xã Vân Hồ.

+ Nhóm đất mùn đỏ vàng trên núi (FHO): 47.620 ha, chiếm 48,6% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu tại các xã vùng dọc sông Đà và vùng dọc QL6.

+ Đất khác 23.430 ha chiếm, 23,91% tổng diện tích đất tự nhiên.

Hầu hết các loại đất ở Vân Hồ có độ dày tầng đất khá, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, tỷ lệ mùn và các chất dinh dưỡng từ trung bình đến khá, ít chua, nghèo bazơ trao đổi và các chất dễ tiêu.

Đặc biệt trên địa bàn xã Vân Hồ thuộc vùng cao nguyên Mộc Châu có một số loại đất tốt như: Đất Feralit mùn đỏ vàng trên đá sét, đất Feralit mùn vàng đỏ trên đá vôi, ... rất phù hợp cho việc trồng các loại cây đặc sản như: Chè, cây ăn quả các loại ( đào, mận, lê ...), rau quả ôn đới... thuận lợi để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung với cơ cấu đa dạng.

Hiện trạng sử dụng đất huyện Vân Hồ có tổng diện tích đất tự nhiên 98.288,90 ha gồm 3 nhóm đất chính: Đất nông nghiệp: 86.781,22 ha, chiếm 88,2% tổng diện tích tự nhiên; Đất phi nông nghiệp: 4.344,15 ha, chiếm 4,6%; Đất chưa sử dụng 7.163,52 ha, chiếm 7,2% diện tích tự nhiên. Qua số liệu cho thấy diện tích đất chưa sử dụng còn lớn. Song diện tích có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp đều rất khó khăn như phân bố ở những địa bàn không thuận lợi đường giao thông, thiếu nguồn nước hoặc nằm ở độ dốc trên 250, chỉ thích hợp với các cây lâu năm, hoặc chỉ có thể khai thác theo phương thức nông - lâm kết hợp. Tuy nhiên đây vẫn là điều kiện để huyện Vân Hồ có thể khai thác, mở rộng diện tích đất nông - lâm nghiệp trong thời gian tới, tăng hiệu quả sử dụng đất cả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường.

2. Khí hậu, thủy văn:

2.1. Khí hậu:

Huyện Vân Hồ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô đối với một số xã vùng dọc sông Đà và ẩm ướt đối với các xã dọc quốc lộ 6 và các bản vùng cao, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều. Nhiệt độ không khí trung bình/năm khoảng 18,50C, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.560 mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%.

Huyện Vân Hồ được phân thành hai vùng khí hậu:

-Vùng khí hậu lạnh và mát bao gồm các xã vùng dọc QL6  và các xã vùng cao biên giới như xã Vân Hồ, Lóng Luông, Tô Múa và một số bản vùng cao… Khí hậu phù hợp để phát triển cây trồng và vật nuôi vùng ôn đới như cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, rau vùng ôn đới; chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò sữa, bò thịt và phát triển du lịch sinh thái.

- Vùng khí hậu nóng ẩm bao gồm các xã vùng dọc sông Đà, thuận lợi cho phát triển cây lương thực lúa, ngô, cây công nghiệp hàng năm (đậu tương, bông), phát triển chăn nuôi đại gia súc lấy thịt, nuôi cá lồng trên sông.

Tuy nhiên trong những năm gần đây thời tiết khí hậu có khắc nghiệt hơn như khô hanh, sương muối, lốc và mưa đá xuất hiện nhiều lần trong năm đã gây thiệt hại lớn về sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

 2.2. Thuỷ văn:

Huyện Vân Hồ nằm trên cao nguyên đá vôi, nguồn nước mặt rất hạn chế, trên địa bàn huyện có sông Đà thuộc vùng hồ thủy điện Hòa Bình chảy qua 4 xã có chiều dài 35 km. Các dòng suối chính bao gồm: suối Khủa, suối Đá Mài, suối Tái, suối Giang, suối Mực, suối Sơ Vin, suối Đâu… có độ dốc lớn, nên có nhiều thuận lợi phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ, kết hợp với thủy lợi tại các xã Tân Xuân, Chiềng Khoa, Tô Múa và Chiềng Yên.

3. Tài nguyên rừng, thảm thực vật và động vật

Tài nguyên rừng của huyện Vân Hồ khá phong phú, có nhiều nguồn gen động - thực vật quý hiếm có giá trị cao về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và phục vụ du lịch sinh thái trong tương lai, tập trung trong vùng rừng đặc dụng Xuân Nha với khoảng 456 loài thực vật thuộc 4 ngành với các loại gỗ quý phân bố trên toàn địa bàn như: Bách xanh, thông, chò, ...và có 48 loài động vật hoang dã thuộc 19 họ của 8 bộ với các loài động vật như: Gấu, hoẵng, lợn rừng…

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng của huyện Vân Hồ hiện còn 51.528 ha, trong đó có 13.648 ha đất rừng đặc dụng, tập trung chủ yếu ở xã Xuân Nha, Chiềng Xuân, Tân Xuân. Rừng phòng hộ 24.643,4 ha, phân bố các xã dọc sông Đà và QL 6. Rừng sản xuất 13.235,7 ha, trong đó có 3.311 ha rừng trồng sản xuất. Độ che phủ của rừng đạt trên 52,1%, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng hộ đầu nguồn xung yếu cho lòng hồ Thuỷ điện Hoà Bình.

4. Tài nguyên nước:

- Nước mặt: Đây là nguồn nước quan trọng cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư, nhất là trong mùa khô. Nước mặt chủ yếu là nguồn nước mưa được lưu giữ trong các ao, hồ chứa, kênh mương, mặt ruộng và hệ thống sông suối.

Tuy nhiên nguồn nước mặt phân bố không đều cả về thời gian và không gian, nguồn nước dồi dào về mùa mưa và cạn kiệt về mùa khô, phần lớn mặt nước các sông, suối đều thấp so với mặt bằng canh tác và khu dân cư nên hạn chế khả năng khai thác, sử dụng vào sản xuất và đời sống. Chất lượng nguồn nước tương đối trong sạch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường từ các khu dân cư, các điểm chế biến nông sản, ...nên đa số các con suối trở thành nơi dẫn tụ các chất thải, chất lượng nước ở các khu vực cuối nguồn bị giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện  nay việc phân tích chất lượng nguồn nước mặt để phục vụ sinh hoạt của nhân dân theo các quy chuẩn quốc gia đều chưa thực hiện được. (QCVN 08: 2008/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Môi trường; và QCVN 01: 2009/BYT kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ trưởng bộ Y tế  về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống”).

 - Nước dưới đất:

Nguồn nước ngầm của huyện hiện tại chưa có điều kiện thăm dò, khảo sát đầy đủ. Song, trong thực tế sự tích tụ của hồ thuỷ điện Hoà Bình làm cho các khe nứt, hệ thống hang động dưới 115 m trên địa bàn huyện Vân Hồ hoạt động trở lại đã đẩy mực nước ngầm lên cao hơn.

Ở các khu vực còn lại, nước ngầm đã được nhân dân khai thác tương đối hiệu quả để phục vụ sinh hoạt. Một số năm gần đây do độ che phủ của thảm thực vật giảm nên nguồn nước ngầm cũng bị giảm đáng kể, một số khu vực các giếng đào đã bị cạn nước về mùa khô. Vì vậy, để đảm bảo có đủ nước phục vụ đời sống của nhân dân trong vùng cần quan tâm sử dụng các biện pháp dự trữ nước mặt, nước trời trong mùa khô như: đắp đập, xây bể chứa nước,... kết hợp với các biện pháp khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng ở các khu vực đầu nguồn.

5. Nguồn tài nguyên khác.

5.1. Tài nguyên khoáng sản:

 Huyện Vân Hồ có một số loại khoáng sản chính:

- Than: Ở xã Suối Bàng với các vỉa than kéo dài khoảng 5 km, trữ lượng khoảng 2,4 triệu tấn thuộc loại than mỡ phục vụ cho việc luyện than cốc.

- Đất hiếm có ở bản Hua Pù - xã Mường Tè.

- Bột Talc có ở Tà Phù xã Liên Hòa với hàm lượng các chất: MgO: 24,31%, Cao: 0,39%, SiO2: 63,2%; với trữ lượng khoảng 2,3 triệu tấn, có thể khai thác để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra Vân Hồ còn có nguồn đá vôi, cát sạn phân bổ tập trung ở các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Xuân Nha, Tô Múa, Liên Hòa…và đất sét với trữ lượng tương đối lớn cho phép phát triển sản xuất gạch, ngói, vật liệu xây dựng tại các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Chiềng Khoa…

5.2. Tài nguyên nhân văn.

Vân Hồ là một huyện mới chia tách từ huyện Mộc Châu là vùng đất cổ, hình thành và phát triển sớm trong lịch sử, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa như: Đền Hang Miếng (xã Quang Minh), hang mộ Tạng Mè (xã Suối Bàng) và các di tích lịch sử thuộc căn cứ địa Mộc Hạ. Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống như Thái, Kinh, Mường, Mông, Dao... mỗi dân tộc có bản sắc đặc trưng và ngành nghề truyền thống riêng biệt.

Dân tộc Thái, Mường có lễ hội và trò chơi dân gian như: Hội tung còn, đẩy gậy, cầu mùa, Xên Mường, Xên Bản... gắn với mùa vụ trong năm.

Dân tộc Mông có các hoạt động văn hóa như: Múa khèn vào những ngày tết cổ truyền tại sân nhà văn hóa các bản. Ngoài ra còn có các lễ hội thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm như đua ngựa, bắn cung, bắn nỏ, tu lu. Người Mông ở Vân Hồ có lễ hội Mùa Xuân với nhiều trò chơi dân gian được duy trì, tại các lễ hội điệu múa khèn là đặc trưng nhất cho người Mông với nhiều động tác biểu cảm.

Dân tộc Dao ở Vân Hồ có những vũ điệu gắn với các lễ như: Lễ đặt tên cho con, cấp sắc, kết duyên, lễ chúc phúc....Người Mường tiêu biểu với các làn điệu hát dân ca như: Hái Bông, Giao duyên, Đang, Xường....

Các dân tộc anh em có truyền thống đoàn kết gắn bó trong đấu tranh, sản xuất và giao lưu văn hóa, hình thành và phát triển nền văn hóa cộng đồng đa dạng, phong phú, có tính nhân văn cao.

5.3. Cảnh quan, môi trường.

Huyện Vân Hồ có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, có nhiều phong cảnh đẹp, môi trường trong lành, điều kiện khí hậu rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ. Hiện tại huyện có các di tích - lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận, có giá trị để khai thác theo hình thức du lịch sinh thái như: Hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng (di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia công nhận năm 2014); Đề Hang Miếng, xã Quang Minh (di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh công nhận năm 2018); Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ (di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thuộc 06 xã Chiềng Khoa, Mường Men, Tô Múa, Song Khủa, Quang Minh, Mường Từ công nhận năm 2007); Đền thờ Nàng Bẳng Mương, xã Chiềng Khoa (di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh công nhận năm 2020); Thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên (di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, công nhận năm 2016); Thác Nàng Tiên, xã Chiềng Khoa (di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, công nhận năm 2018); Ngoài ra trên địa bàn huyện còn một số di tích, danh lam thắng cảnh chưa được sếp hạng như: Thác Nà Bông, xã Xuân Nha..vv... hệ thống hang động như: Hang Pắc Pa, hang Hằng, xã Xuân Nha...

 Diện tích đất chưa sử dụng còn chiếm hơn 23% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện, trên diện tích này hiện tượng rửa trôi, xói mòn xảy ra khá nghiêm trọng gây sạt lở, lũ lụt...làm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường chung của toàn huyện.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập