Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào hồ sơ khoa học di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn
Lượt xem: 95

Ngày 11/9, Đoàn công tác của Sở VH,TT&DL tỉnh do đồng chí Phạm Hồng Thu - Phó Giám đốc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Vân Hồ, xã Song Khủa và các nhân chứng lịch sử tham gia ý kiến vào hồ sơ khoa học Di tích lịch sử - Văn hóa Đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện.

          Đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn nằm tại Bến Khủa thuộc bản Un xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, là nơi thờ phụng Cô đôi Thượng Ngàn, vị thần cai quản vùng núi non, sông nước trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và Nữ tướng Đinh Thị Vân, người có công trong việc dẹp loạn miền biên cương Tây Bắc của vua Lý Thái Tổ. Theo bản đồ quy hoạch, các khu bảo vệ di tích có tổng diện tích trên 15.174m2, trong đó khu vực bảo vệ 1 có các yếu tố cấu thành di tích có diện tích 394,4m2, còn lại là vùng bao quanh, tiếp giáp với khu vực di tích. Quá trình lập hồ sơ trình xếp hạng di tích, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện và xã điều tra, khảo sát, thu thập các cứ liệu, chụp ảnh khảo tả, gặp gỡ nhân chứng lịch sử gắn với đối chiếu, tham khảo các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử để hoàn thiện bản lý lịch di tích theo yêu cầu.

Thảo luận, tham gia ý kiến vào hồ sơ minh chứng về di tích, nhiều đại biểu cho rằng cần xác định rõ vị trí, vai trò của Bến Khủa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua các tiến trình lịch sử; Miêu tả những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại ngôi đền cũ năm 1979 trước khi di rời; định hướng phát triển sau khi di tích được xếp hạng; đặc biệt là công tác tu bổ, tôn tạo quản lý và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được Unesco công nhận năm 2016.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh đề nghị căn cứ các ý kiến của đại biểu, nhân chứng và các bên tham dự hội nghị, Bảo tàng tỉnh tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích đảm bảo yêu cầu; UBND huyện, xã thành lập Ban quản lý di tích, xây dựng kế hoạch di rời, đền bù, giải phóng mặt bằng các hộ gia đình trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa nâng cấp, sửa chữa tuyến đường từ xã vào Khu di tích, để nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu di tích được thuận tiện, dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy du lịch địa phương ngày càng phát triển. 

T/h: Mạnh Kiên

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 35
  • Hôm nay: 442
  • Trong tuần: 8,060
  • Tất cả: 1,564,068
Đăng nhập