Phong tục tập quán của các dân anh em huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
Lượt xem: 3125

        * Dân tộc Thái: Người Thái trên địa bàn huyện Vân Hồ nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung là dân tộc sống lâu đời nhất ở vùng núi Tây Bắc, họ đã cùng các dân tộc khác kiến tạo nên nền văn hóa vật chất cổ truyền độc đáo “Ăn cơm nếp; Uống rượu cần; Mặc xửa cỏm; Ở nhà sàn”

          Nét đẹp văn hóa dân tộc Thái ngoài chữ Thái, các loại lễ ca, sắc phục phụ nữ thì không thể không kể đến nhà sàn hay còn gọi là nhà gác một nét văn hóa độc đáo, thú vị vừa mang phong cách kiến trúc riêng vừa phản ánh bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Thái. Nhà sàn là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống đã tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm người Thái, trong đó tiêu biểu là kiến trúc nhà sàn. Việc người Thái làm nhà sàn là do trước kia sinh sống ở núi cao, rừng sâu nên đồng bào phải làm nhà vừa cao vừa vững chắc để tránh thú dữ. Người Thái có truyền thống cư trú ở các thung lũng nơi có những cánh đồng màu mỡ, ven các dòng sông, con suối. Người Thái rất coi trọng nơi đặt nhà, hướng nhà phải trùng với hướng núi, rộng, thoáng và đặt làm sao để ngôi nhà được hài hòa với thiên nhiên và đặc biệt biệt phải gần nguồn nước. Do đó ngôi nhà sàn đặt ở địa thế tốt là ngôi nhà dựa vào núi, trước mặt là cánh đồng, cạnh nhà có mó nước, Mái nhà thời xưa được lợp bằng lá cỏ Tranh, lá cọ nhưng ngày nay được thay thế bởi mái ngói vì độ bền cao của nó. Nhà sàn truyền thống có hai mái phẳng hình chữ nhật, hai mái nhỏ cong hình cánh quạt, úp che hai phái đầu hồi. Trông toàn bộ mái nhà từ bên ngoài có hình dáng như chiếc mai rùa hay một chiếc thuyền úp ngược. Hai bên đầu hồi có biểu tượng trang trí trên nóc nhà. Phía dưới nhà sàn thường được để trống nhưng cũng có một số người lại tận dụng để dùng làm nơi dự trữ củi hay vây một góc lại để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nếu để ý kỹ ngôi nhà Thái cầu thang bao giờ cũng mang số lẻ thường là 5 bậc,7 bậc hoặc 9 bậc. Giải thích cho điều này các cụ cao niên ở bản Thái cho biết người Thái quan niệm thang lên thang xuống để túi để đồ mắc vạ mất của, bởi vậy khi làm các bậc thang người ta không làm bậc số 6 vì đó là bậc mắc vạ mất của. Nhà sàn xưa thường làm hai cầu thang: một cầu thang ngoài dành cho đàn ông thường có 7 bậc mang ý nghĩa là ứng với 7 vía của người đàn ông. Còn thang thứ hai gọi là thang trong có 9 bậc ứng với 9 vía của người phụ nữ. Bước lên cầu thang là một hành lang khá rộng, được thiết kế với những thanh gỗ rất chắc chắn làm rào chắn vừa đẹp mắt lại vừa đảm bảo an toàn cho mọi người đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, mỗi gia đình có cách thiết kế không gian sống khác nhau nhưng tối thiểu phải có ít nhất 3 gian.  Gian đầu tiên từ cầu thang lên gọi là gian gốc. Đây là gian quy tụ mọi tính linh thiêng của ngôi nhà, nơi diễn ra các lễ nghi thể hiện ứng xử của con người với ngôi nhà. Tại đây có một cây cột gốc to hơn các cây cột khác trong nhà, để đặt bàn thờ thờ tổ tiên. Mọi thành viên, kể cả chủ hay khách đều không được phép bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Nếu ai phạm phải những điều cấm trên, đều bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh. Vì vậy gian nhà gốc chỉ dành riêng cho nam giới, phụ nữ tuyệt đối không được ngồi nghỉ hoặc làm việc ở đây. Trong các ngày trọng đại như hôn lễ, ma chay, thì chỉ những nam giới có vai vế trong dòng họ mới được ngồi ăn uống tại gian này. Tiếp đến là gian thứ hai là không gian sinh hoạt và ngủ nghỉ của các thành viên trong gia đình. Phòng ngủ của bố mẹ được đặt chính giữa nhà ngay sát gian thờ tổ tiên, ngăn cách nhau bằng một bức tường gỗ, kế tiếp là phòng ngủ dành cho con gái. Điều đặc biệt là khi ngủ đầu lúc nào cũng phải hướng vào tường còn chân hướng ra cửa, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong nếp sống của người Thái. Không phải ngẫu nhiên mà phòng ngủ của người con gái lại được đặt cạnh gian bếp mà đó chính là một nét đẹp hết sức tinh tế trong nghệ thuật sống của họ.
Thường thì mỗi sáng người con gái phải dậy từ rất sớm để lo việc cơm nước cho gia đình nên với việc phòng kề bếp khiến họ dễ dàng xuống bếp hơn mà không để phát ra tiếng động nào làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bố mẹ cũng như cả nhà. Trên bếp  người ta làm một cái giá to và vững chắc để sấy khô các lương thực, thực phẩm như: ngô giống, lúa giống và sấy khô thịt trâu, bò. Lò bếp là một cái khung hình vuông, cũng có thể là hình chữ nhật rộng chừng hơn 1m2, ghép bằng những tấm ván dày, bên trong có nện đất, đặt ngay trên mặt sàn.
 Người Thái sợ nhất là ngôi nhà không có ai nhóm bếp, đó là ngôi nhà không hạnh phúc. Ngọn lửa ấm áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Thái đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay.. Bếp còn là nơi tâm tình của các chàng trai, cô gái khi mối quan hệ của họ đã trở nên thân thiết và được sự cho phép của gia đình…

          * Dân tộc Dao: Đồng bào Dao có nhiều phong tục kỳ lạ như trong hôn nhân, Nam giới phải ở rể từ hai đến ba năm, có khi ở luôn nhà vợ (nếu ở luôn nhà vợ thì phải đổi họ bên vợ). Họ còn có tục dùng bạc trắng để định giá cô dâu, theo nghĩa đen là mua và gả bán, số bạc ấy sau này sẽ là của đôi vợ chồng trẻ. Ngày cưới, cô dâu trang điểm rất đẹp, đội mũ màu đỏ, có hoa văn; cổ và tay đeo nhiều vòng bạc. Ngày cưới, đoàn đưa cô dâu, có cả thầy cúng, và thổi kèn, đánh chiêng, khua trống, rung nhạc. Tới nhà chồng, cô dâu phải qua nhà tạm, khi được giờ thì mới được vào nhà chồng. Lên tới nhà chồng, cô dâu phải “rửa tay”, bước qua chậu than hồng và nhiều nghi thức khác... trước sự chứng kiến của hai họ rồi mới bước qua cửa vào nhà với ý nghĩa là “Từ nay đoạn tuyệt với con ma họ ngoại và từ nay theo con ma họ nhà nội”. Sau khi vợ chồng lấy nhau, khi sinh con đầu lòng thì họ đẻ ngay tại buồng ngủ của mình. Ba ngày đầu, các cửa ra vào đều phải cắm lá kiêng không cho người lạ vào nhà. Gia đình dân tộc Dao tồn tại bền vững theo chế độ phụ quyền, người con gái không có tên trong chúc thư, không được thừa kế tài sản của gia đình. Về cấu trúc nhà ở của người Dao có ba loại nhà: nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất; nhà ở bằng gỗ, tre, nứa rất chắc chắn, đơn giản nhưng được kết hợp khéo léo toát lên sự kín đáo, tế nhị của người Á Đông. Kiểu nhà truyền thống của người Dao quần trắng là nhà sàn, thường được làm ba gian, cách chắp nối các cấu kiện bằng nguyên liệu rời. Tuy nhiên, họ không phải dùng đinh trong quá trình lắp ghép nhà ở. Kiểu nhà này chỉ có một cầu thang lên xuống, cầu thang có số bậc lẻ; trong nhà thường có hai bếp. Nhà người Dao đỏ làm nửa sàn nửa đất ở lưng chừng đồi. Cách chọn hướng nhà thì cũng như các dân tộc khác. Tín ngưỡng của người Dao là tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” mang dấu ấn của Nho giáo và Đạo giáo chính thống. Tư tưởng Nho giáo được thể hiện rõ trong cách phân định tôn ti, trật tự, theo thứ bậc ở mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Đồng thời, Đạo giáo ảnh hưởng bao trùm hầu hết các phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên được thể hiện qua lễ đặt tên cho con trai và cấp sắc cho người làm thầy cúng... Người Dao quan niệm khi chết thì chỉ chết về thể xác, còn linh hồn mãi mãi bất diệt “quay về với tiên tổ”. Về trang phục, so với các dân tộc khác thì dân tộc Dao được coi là còn giữ được nhiều nét bản sắc của mình với chất liệu bằng vải bông nhuộm chàm, màu xanh, đỏ, đen, tím than hoặc để trắng. Tộc người Dao đỏ đội khăn đỏ, đeo những bông hoa đỏ trước ngực; Dao quần chẹt mặc quần ống hẹp bó sát vào chân; Dao quần trắng nổi bật là yếm rất to che kín cả ngực và bụng, ngày cưới cô dâu mặc quần trắng; Dao làn tuyển mặc áo dài, đội mũ nhỏ... Dân tộc Dao có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc thể hiện qua nhiều phong tục, nhiều điệu múa đẹp, nhiều bài hát hay, kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, ca dao, thành ngữ, chiêm tinh, tướng số, câu đố... Nhưng cũng giống các dân tộc thiểu số khác chủ yếu tồn tại dưới dạng truyền khẩu, vốn này ngày nay cũng bị mai một, thất truyền với những lý do khách quan cũng như chủ quan…

          * Dân tộc Mường: Người Mường có truyền thống làm ruộng và cây lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Đến thăm những bản làng của đồng bào Mường, chúng ta sẽ thấy những ngôi nhà sàn dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát, xung quanh nhà là cây cối bốn mùa đơm hoa, kết trái. Ngôi nhà sàn dựng theo kiểu truyền thống của người Mường, vì được bố trí khéo léo nên không gian rất thoáng đãng và đặc biệt tiện lợi. Với đặc trưng kiểu nhà này, người Mường đã tạo nên cho mình một tập quán riêng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất, vừa trồng lúa, làm nương rẫy, vừa chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhà sàn của người Mường ngoài công năng để ở và cất trữ tài sản, phòng tránh thú dữ, rắn, rết và phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở vùng núi, còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình.

          Trang phục cũng như tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục của người Mường có đặc trưng riêng. Đàn ông thường là mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần của của đàn ông thường có ống rộng và dùng khăn thắt giữa bụng (còn gọi là khăn quần). Đàn ông đầu thường cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Khi nhà có lễ hay dịp Tết, đàn ông Mường thường mặc áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải. Trong khi đó nữ giới hằng ngày thường mặc áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu đen. Nét đặc sắc trên trang phục của người Mường chính là những mảng hoa văn nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Đặc biệt, tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục, sắp xếp hoa văn trên từng bộ phận sao cho hợp lý, đẹp mắt, để các họa tiết có thể hỗ trợ, làm nổi bật lẫn nhau mà không phá vỡ bố cục chung.

            Đồng bào Mường có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc… và cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh…

            * Dân tộc Mông: Bà con thường sống quần tụ theo dòng họ, huyết thống, dựa vào nhau trong cuộc sống mưu sinh, đồng bào Mông thường di cư liên tục qua nhiều vùng miền và thường cư trú nơi rẻo cao, khí hậu khắc nghiệt và phải thay đổi tập quán canh tác, nếp sinh hoạt. Song, đồng bào Mông vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gia đình, dòng tộc thông qua những câu chuyện cổ tích, chuyện dân gian, thơ ca, truyền thuyết… người già trong dòng tộc, dòng họ thường xuyên truyền đạt lại cho thế hệ hậu sinh tinh thần đoàn kết, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong lịch sử, đồng bào Mông thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường vì sự trường tồn của dân tộc. Khát vọng đó được thể hiện trong hoạt động tín ngưỡng và nghi lễ dân gian, như: lễ đặt tên và nhập hồn cho đứa trẻ mới sinh, là mong muốn đứa trẻ lớn lên sẽ kiên cường, khỏe mạnh (nếu là con trai); nếu là con gái thật sự giỏi giang, khéo léo, dịu dàng. Điệu khèn dân tộc Mông trong tang lễ thể hiện sự tiến quân của đội hình đuổi giặc bằng hình thức chạy quanh người đã khuất, mang ý nghĩa khi còn sống đã chiến đấu bảo vệ dân tộc thì lúc sang cõi vĩnh hằng cũng phải vì dân tộc mà cảnh giác với kẻ thù để đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc. Đồng bào Mông quan niệm, nếu muốn bảo vệ được sự trường tồn dân tộc trong hoàn cảnh khốc liệt nhất thì bài học đó phải được rút ra từ trong văn hóa mưu sinh. Dân tộc Mông quan niệm, học tập để tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm lao động, sản xuất từ các dân tộc khác. Nhưng, trong văn hóa tâm linh, cách làm, cách nghĩ, phương thức sống và ứng xử thì đồng bào Mông không chấp nhận yếu tố tác động từ bên ngoài. Dân tộc Mông thường hành động theo các luật tục, quy ước, phong tục tập quán dân tộc mình. Đồng bào Mông có nguyên tắc bảo vệ mang tính cộng đồng, dòng tộc, dòng họ bền chặt, biểu hiện ở tính cộng đồng là sự thống nhất trong các hoạt động lễ hội, phong tục tập quán, cách thức thờ cúng và nguyên tắc nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ. Sự cố kết, gắn bó dân tộc, dòng họ, bản làng, gia đình của người Mông rất chặt chẽ. Đồng bào Mông luôn tôn trọng sự điều hành của bề trên như cụ, kỵ, ông, bà, trưởng bản, trưởng dòng họ; con cái tôn trọng bố, mẹ; nề nếp gia phong hòa thuận. Để duy trì sự đoàn kết cộng đồng, người Mông thường chú trọng giáo dục thế hệ trẻ, đặt ra nhiều tập tục, quy ước sinh hoạt mang tính cộng đồng, ai vi phạm sẽ bị lên án gay gắt bằng các hình phạt lao động công ích.  Trong lao động, sản xuất, người Mông có nhiều kinh nghiệm sáng tạo, đặc biệt là sự cần cù, chịu khó, làm ra làm, chơi ra chơi. Mô hình quản lý sản xuất theo hộ gia đình, đổi công trong dòng họ, làng bản là những kinh nghiệm quý báu. Trong canh tác, người Mông biết xen canh, gối vụ, khai thác nương, kết hợp phát triển chăn nuôi và làm thêm các nghề phụ đan lát, thêu dệt. Làm bất cứ việc gì người Mông đều có ý thức đạt nhiều mục đích, người Mông thường chọn các loài cây vừa làm dược liệu chữa bệnh vừa làm hàng hóa góp phần tăng thêm thu nhập… Sự khai thác, khám phá đầy sáng tạo này là yếu tố đảm bảo tiết kiệm và giữ gìn tính bền vững của thiên nhiên. Ở đâu, người Mông cũng kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, với nhiều loại hình như hát, múa khèn, kể chuyện, các động tác nghệ thuật diễn tả sự tinh tế, chi tiết của văn hóa nghệ thuật. Mô hình quản lý xã hội người Mông dựa trên một cơ sở hệ thống luật tục được xây dựng qua nhiều thế hệ bởi uy tín của gia đình, trưởng họ, già làng, trưởng bản mang tính tự chủ, tự quản. Gia phong và hệ thống luật tục người Mông với bản sắc văn hóa đặc trưng có thể vận dụng vào một số lĩnh vực như quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước theo quy ước, hương ước để xây dựng tình làng, bản, mường. Gìn giữ, bảo vệ gia phong dân tộc Mông thật sự là nét văn hóa đặc trưng. Đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển đã tác động và làm mai một đôi nét về bản sắc văn hóa, nhưng gia phong dân tộc Mông luôn được gìn giữ và bảo vệ…

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập