Vân Hồ làm theo lời Bác
Lượt xem: 371

Với quyết tâm phải không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, trong những năm qua, huyện Vân Hồ xác định việc nâng cao thu nhập của người dân là một yếu tố then chốt. Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương với 98.289 ha đất tự nhiên, trong đó có 39.945,6 ha đất sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất xác định: phát triển nông nghiệp là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế, trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc và tập trung sản xuất theo hướng công nghệ cao, hướng tới các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Huyện đã tập trung chuyển đổi, trồng mới 1.093 ha đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của từng vùng, nhất là các loại cây ăn quả có múi như quýt, cam vinh, bưởi… nâng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 2.959 ha. Cùng với đó để nâng cao sức canh tranh cho các sản phẩm của địa phương huyện đã khuyến khích và tạo điều kiện thuân lợi nhất cho các Hợp tác xã nông nghiệp thành lập và hoạt động. Nhờ vậy, nhiều hợp tác xã đã và đang hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho các xã viên như: HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ, HTX Tiến Thành, HTX Nông nghiệp cây ăn quả Vân Hồ

Một trong những Hợp tác xã tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc của huyện có thể kể đến HTX Tiến Thành, bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch HĐ Quản trị HTX được biết: Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của một số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thấy việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, ông cùng 10 thành viên của HTX đã chuyển đổi 6 ha vườn tạp trên đất dốc sang trồng cây cam, bưởi, nhãn, xoài. Năm 2016, là năm đầu tiên bói quả nhưng đã cho thu hoạch trên 10 tấn quả, thu trên 300 triệu đồng. Đến năm 2018, tổng diện tích canh tác của HTX đã phát triển lên 60ha, sản lượng đạt 100 tấn quả thương phẩm, tổng thu nhập toàn HTX là 1,3 tỷ đồng, trung bình mỗi thành viên HTX cũng cho thu nhập từ 130 triệu đến 250 triệu đồng/năm. Đây là con số khá ấn tượng đối với 1 xã vùng III, còn nhiều khó khăn của huyện.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch HĐQT HTX Tiến Thành, xã Chiềng Xuân,  huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Cũng trong lĩnh vực phát triển cây ăn quả, HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ, bản Pa Cốp, xã Vân Hồ lại chọn hướng đi trong phát triển các sản phẩm hữu cơ sạch, với mục tiêu xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Để đảm bảo diện tích đất canh tác, ngoài 4,5ha diện tích đất hiện có, HTX đã thuê thêm 105ha, trong đó có khoảng trên 12ha trồng giống cam đường canh lòng vàng và các loại bưởi da xanh, bưởi diễn, bưởi tam hồng, bưởi bố trạch. Tất cả những loại cây ăn quả trên đều được trồng và chăm sóc kỹ thuật theo phương pháp hữu cơ. Toàn bộ quá trình từ trồng, chăm sóc, cho đến thu hoạch cây cam không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như các loại thuốc bảo quản giúp quả tươi, bóng, mẫu mã đẹp. Chính vì vậy, giá bán cam đường canh trung bình của HTX đạt từ 40.000đ đến 45.000đ/kg, cao hơn 20% đến 30% so với giá thị trường. Với cách làm hiệu quả này, HTX đã cho thu nhập từ 900 triệu đồng - 1 tỷ đồng/năm.

Ông Vũ Hùng Cường - Giám Đốc Hợp tác xã Nông trại hữu cơ Vân Hồ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La.

Song song với phát triển kinh tế, việc nâng cao đời sống tình thần cho người dân cũng được huyện triển khai đồng bộ và phát triển mạnh mẽ thông qua các phong trao “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”…Với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, diện mạo đô thị nông thôn đã từng ngày khởi sắc, đường giao thông liên bản, liên xã đi lại được 4 mùa. Là xã vùng 2, cách trung tâm huyện 8km, Chiềng Khoa là xã được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2018, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí và 44/49 chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của xã là phấn đấu trong quý III, năm 2019 sẽ là xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu đó, xã Chiềng Khoa xác định, xây dựng NTM là để nhân dân hưởng lợi và việc xây dựng phải được nhân dân ủng hộ, nhà nước và nhân dân cùng làm. Đã có không ít những tấm gương tập thể, cá nhân tự nguyện hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa,... Cụ thể như nhân dân bản Khoòng II, xã Chiềng Khoa đã tự nguyện hiến 2.500m2 đất, đóng góp trên 746 triệu đồng và trên 2.600 ngày công lao động để hoàn thành cứng hóa 2,3 km đường giao thông nội bản; hay như anh Ngần Văn Ngợ, bản Tin Tốc đã hiến trên 800m2 đất của gia đình để xây dựng nhà văn hóa của bản. Đặc biệt, ông Vì Văn Dúp, bản Đoàn Kết, người đã xây dựng cây cầu dân sinh qua suối trị giá hơn 300 triệu đồng, cây cầu không chỉ phục vụ gia đình ông Dúp thuận lợi hơn trên đoạn đường từ nhà đến khu sản xuất của gia đình mà còn phục vụ nhân dân các bản trong xã Chiềng Khoa và cả xã Mường Men đặc biết trong mùa mưa lũ. Những tấm gương, điển hình tiên tiến này đã và đang từng bước góp phần đưa xã Chiềng Khoa trở thành địa phương về đích đầu tiên trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của huyện, đồng thời một lần nữa khẳng định giá trị và tinh thần trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.

Anh Ngần Văn Ngợ, bản Tin Tốc, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Ông Vì Văn Dúp, bản Đoàn Kết, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Đồng hành với sự phát triển KT - XH của huyện, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của huyện nhà cũng có những bước tiến lớn. Những sáng tạo khoa học kỹ thuật tại các cấp, bậc học từng bước sánh vai cùng các địa phương khác trong tỉnh cũng như trong sân chơi của khu vực. Với 10 chức năng cơ bản phục vụ công tác giảng dạy, “Giá tích hợp chức năng” - một sản phẩm khoa học của thầy, trò Trường Tiểu học & THCS Chiềng Yên đã được vinh danh tại các cấp khi xuất sắc dành giải nhất cấp tỉnh Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh Trung học cơ sở và giải phụ tại cấp quốc gia. Sản phẩm này sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong phụ trợ giảng dạy và có khả năng ứng dụng tại hầu khắp các đơn vị trường học, nhất là các trường học còn nhiều khó khăn như ở huyện Vân Hồ. Đặc biệt hơn cả, đây chính là động lực giúp các em học sinh có thêm niềm tin, khẳng định khả năng của mình và sẵn sàng vươn tới những chân trời mới trong tương lai.

TĐ: 2 em học sinh có sản phẩm sáng tạo KH-KT trường TH - THCS Chiềng Yên.

5 năm - một bước đi chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định những nỗ lực và thành quả bước đầu của Đảng bộ, chính quyền cũng như nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ trong quá trình xây dựng và phát triển. Những đổi thay trong đời sống kinh tế - xã hội là minh chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực, quyết tâm của huyện trong công cuộc đổi mới nâng cao đời sống của nhân dân. Tin tưởng rằng với quyết tầm đổi mới, phát triển của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ sẽ nỗ lực, phát huy hết những tiềm năng lợi thế của địa phương, sớm đưa huyện Vân Hồ trở thành 1 trong những huyện có thu nhập khá của tỉnh. Xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước…” cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

 T/h: Thanh Tùng - Mạnh Kiên

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập