Quy trình thành lập hợp tác xã và một số chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã
Lượt xem: 1945

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật HTX 2012 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 20/11/2012 và có hiệu lực chính thức từ 01/7/2013 thay thế Luật HTX năm 2003;

2. Nghị định 193/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã

3. Thông tư số 03/TT-BKH ngày 26/5/2014 của Bộ kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã;

4. Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 -2020:

5. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Phần thứ I

Giới thiệu một số điểm mới của Luật HTX năm 2012

 

1. Về khái niệm: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ do thành viên tự nguyện lập ra nhằm mục tiêu TỐI ĐA HÓA LỢI ÍCH cho từng thành viên trên cơ sở hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong việc đáp ứng nhu cầu chung giống nhau của thành viên về Sản phẩm, dịch vụ hoặc tạo việc làm, nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên một cách hiệu quả hơn so với từng thành viên đơn lẻ thì không thực hiện được hoặc thực hiện kém hiệu quả trong điều kiện cơ chế thị trường.

2. Về thuật ngữ’: Luật 2012, thay các cụm từ “xã viên” bằng “thành viên”, “Ban quản trị” bằng “Hội đồng quản trị”, “chủ nhiệm” bằng “giám đốc” để áp dụng chung thống nhất về tên gọi các chức danh.

3. Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động (tại điều 7): Luật HTX 2012 thể hiện 7 nguyên tắc tổ chức HTX, tăng 2 nguyên tắc so vơi Luật 2003 là: Nguyên tắc kết nạp rộng rãi thành viên và nguyên tắc giao dịch kinh tế giữa HTX với thành viên.

4. Về mức góp tối đa của thành viên khi tham gia HTX (điều 17):

Việc quy định mức vốn góp tối đa của một thành viên ở một mức hợp lys và mức vốn góp không quá chênh lệch giữa các thành viên là cần thiết, nhằm tạo nguyên tắc “BÌNH ĐẲNG” mỗi người có 1 phiếu biểu quyết như nhau không phụ thuộc vào mức vốn góp” là khả thi trong quản lý HTX, khuyến kích nhiều thành viên góp vốn thay vì chỉ huy động vốn góp của một số ít thành viên, tránh rủi ro cao cho HTX khi chỉ phụ thuộc vào một một hoặc số ít thành viên có vốn góp lớn. Để đảm bảo tính dân chủ trong quản lý HTX khả thi trong thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế, thay vì mức vốn góp tối đa 30% của thành viên trong vốn điều lệ được quy định tại Luật 2003, thì Luật 2012 hạ xuống còn 20%, do đó những HTX đã thành lập trước thời điểm Luật 2012 có hiệu lực có mức vốn góp của thành viên lớn hơn 20% phải thực hiện cơ cấu lại vốn góp theo quy định của Luật.

- Hợp tác xã được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần (khoản 2 điều 45): Hợp tác xã được quyền thành lập công ty, góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp.

5. Về phân phối thu nhập: Mục đích của việc thành lập HTX là để phục vụ thành viên giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán sản phẩm đầu ra của thành viên, với mục đích như vậy thì thị trường của HTX chủ yếu là xã viên. Theo đó, thành viên nào sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ của HTX thì chính thành viên đó góp phần tạo ra nhiều lợi nhuận cho HTX. Vì vậy, nếu không chia lãi cho thành viên theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thì sẽ không thu hút, khuyến khích thành viên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX.

 

Phần thứ II

Quy trình thành lập mới HTX

 

I. Đối tượng có thể thành lập HTX: Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên HTX phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam. Đối với HTX tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân.

- Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX.

- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của HTX;

- Góp vốn theo quy định của Luật và điều lệ HTX;

- Điện kiện khác theo quy định của điều lệ HTX.

II. Quy trình, thủ tục hồ sơ, chế độ thông tin báo cáo của HTX:

A. Nội dung trình tự thành lập HTX

1- Sáng lập viên: Sáng lập viên HTX là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân đáp ứng yêu cầu nêu trên thực hiện việc vận động, tuyên truyền thành lập HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, dự thảo điều lệ, thực hiện các công việc để tổ chức Hội nghị thành lập HTX.

2- Nhiệm vụ của Sáng lập viên: Sau khi trao đổi, bàn bạc về ý tưởng thành lập HTX với những người sẽ là thành viên. Sáng lập viên tiến hành những công việc cần thiết để chuẩn bị thành lập HTX theo các bước sau:

Bước 1: Sáng lập viên tự nguyện cam kết tham gia thành lập HTX.

Bước 2: Sáng lập viên tiến hành công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với những người khác tham gia thành viên HTX.

Sau khi được tuyên truyền, vận động, các thành viên trong cộng đồng tự quyết định và tự nguyện nộp đơn xin gia nhập HTX (theo mẫu); gửi tới Sáng lập viên để tổng hợp danh sách (Số lượng thành viên tối thiểu của 01 HTX theo quy định là 07 thành viên tham gia trở lên).

Bước 3: Xây dựng phương án SXKD: Do sáng lập viên tiến hành (theo mẫu).

Bước 4: Dự thảo điều lệ HTX: Do sáng lập viên tiến hành (theo mẫu).

Bước 5: Tổ chức hội nghị thành lập HTX:

Hội nghị thành lập HTX do sáng lập viên tổ chức. Thành phần tham gia Hội nghị bao gồm người đại diện hợp pháp của sáng lập viên và những đối tượng có nguyện vọng trở thành thành viên. Hội nghị thảo luận thống nhất về phương án sản xuất kinh doanh; điều lệ HTX dự thảo; ban hành Nghị quyết Hội nghị thành lập HTX (theo mẫu).

Sau khi Hội nghị thành lập HTX kết thúc, các sáng lập viên kết thúc vai trò của mình. Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc là những người sẽ đảm đương các công việc tiếp theo.

 B. Hồ sơ, nơi đăng ký hợp tác xã

1. Khi thành lập HTX, HTX gửi tới bộ phận 1 cửa của UBND huyện nơi HTX dự định đặt trụ sở  chính 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập HTX, gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký thành lập HTX theo mẫu quy định.

- Điều lệ của HTX được xây dựng theo điều 21, Luật HTX năm 2012.

- Phương án sản xuất kinh doanh theo mẫu quy định.

- Danh sách Hội đồng quản trị, giám đốc, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

- Nghị quyết của Hội nghị thành lập HTX đã được biểu quyết thông qua.

2. Nếu HTX đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điều 24, Luật HTX 2012 thì cơ quan đăng ký HTX cấp giấy chứng nhận đăng ký cho HTX trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Lưu ý:

+ Các HTX kinh doanh ngành nghề có điều kiện phải thực hiện các quy định liên quan về lĩnh vực, ngành nghề đó.

+ Trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký thì cơ quan đăng ký thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho HTX biết.

C. Thủ tục khắc dấu:

Sau khi HTX được cấp đăng ký, HTX hoàn thiện đầy đủ bộ hồ sơ đến làm việc tại Phòng PC 13 Công an tỉnh Sơn La để làm thủ tục khắc dấu.

Bộ hồ sơ khắc dấu gồm:

- Giấy chứng nhận đăng ký HTX.

- Người được cử đi làm thủ tục khắc dấu phải có Giấy giới thiệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Giấy chứng minh thư nhân dân.

- Nộp lệ phí đầy đủ theo quy định.

Lưu ý: Hồ sơ làm thủ tục khắc dấu phải trình bản chính và nộp bản sao hợp lệ.

D. Chế độ thông tin báo cáo:

Sau khi HTX được thành lập, đăng ký, được sử dụng con dấu và HTX phải tuân thủ quy định về chế độ thông tin, báo cáo theo năm và các báo cáo theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Thông tư số 03/TT-BKH ngày 26/5/2014 của Bộ kế hoạch và Đầu tư (theo mẫu).

 

Phần thứ III

Một số chính sách của Trung ương

về phát triển Hợp tác xã

 

I.  Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 -2020:

1. Hỗ trợ chung đối với hợp tác xã

a) Bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ quản và thành viên hợp tác xã.

- Điều kiện, tiêu chí: Được hợp tác xã cử đi bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ với chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu của hợp tác xã (có văn bản đề nghị được hỗ trợ bồi dưỡng của hợp tác xã).

- Nội dung hỗ trợ: Bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã; nghiên cứu thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học xuống làm việc ở hợp tác xã có thời hạn để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; chi phí đi lại từ trụ sở chính của hợp tác xã đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); chi phí mua tài liệu của khóa học, chi phí tổ chức, quản lý lớp học (xây dựng giáo trình, thuê hội trường, thù lao giảng viên, tham quan, khảo sát, chi phí ăn, ở).

b) Thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác

- Điều kiện, tiêu chí:

+ Tổ chức, cá nhân Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập hợp tác xã hoặc tham gia hợp tác xã (có văn bản đề nghị được hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã).

+ Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2013 tổ chức lại hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã (có văn bản đề nghị được hỗ trợ tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã).

- Nội dung hỗ trợ:

+ Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã trước khi thành lập hợp tác xã cho sáng lập viên hợp tác xã.

+ Tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã.

+ Tư vấn thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

2. Đối với hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp

Ngoài việc được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi trên, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên là những cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp còn được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi sau:

- Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng:

+ Ưu tiên các hợp tác xã có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; hợp tác xã hoạt động trên các địa bàn khó khăn.

+ Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của hợp tác xã phải nhằm mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh chung cho cộng đồng thành viên hợp tác xã, phải thực hiện theo đúng các thủ tục về đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã bao gồm: trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng.

+ Hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh: Đối với hợp tác xã khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

II. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

1. Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:

a) Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c Khoản 2 Điều này);

b) Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (trừ trường hợp nêu tại Điểm c Khoản 2 Điều này);

c) Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;

d) Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;

đ) Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp;

e) Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

g) Tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không bao gồm các đối tượng thuộc Điểm h Khoản 2 Điều này;

h) Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

2. Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.

3. Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

---------------------------

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập