Một trong những người đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa ruộng sang trồng rau, củ quả phải kể đến bà Đinh Thị Xoa Bản Hang Trung 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Năm 2014 với cương vị là Chủ tịch Hội nông dân dân xã Vân Hồ, bà đã quyết định chuyển đổi toàn bộ 1.700m2 đất ruộng của gia đình sang trồng rau an toàn và tuyên truyền, vận động bà con trong bản cùng chuyển đổi đất ruộng từ trồng lúa nước sang trồng rau. Đồng thời vận động các hộ nông dân thành lập Hợp tác xã rau an toàn xã Vân Hồ thu hút 7 xã viên tham gia sản xuất và bà được tín nhiệm giao trọng trách là giám đốc. Với trách nhiệm của người đứng đầu Hợp tác xã đã liên hệ, kết nối với huyện Mộc Châu hình thành các khu cung cấp giống và tiêu thụ rau an toàn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa của huyện Vân Hồ.
Với cách làm việc khoa học, năng động bà Đinh Thị Xoa còn chủ động bàn với các xã viên phân bố cơ cấu mỗi loại rau, củ, quả với diện tích và thời vụ hợp lý, vừa bảo đảm “mùa nào thức nấy” lại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhờ vậy, sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi. Năm 2015, Hợp tác xã rau an toàn xã Vân Hồ đã phát triển và mở rộng được 4ha sản phẩm rau sạch đạt tiêu chí rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bà Đinh Thị Xoa - Giám đốc HTX rau an toàn xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ chia sẻ: bản thân tôi suy nghĩ rằng, từ cây ngô, cây lúa 1 vụ thấy thu nhập rất thấp, tranh thủ dự án đưa đến, bản thân đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia tổ hợp tác xã và thành lập HTX, thấy việc sản xuất rau có hiệu quả, thu nhập cao hơn nên tôi quyết định tuyên truyền, vận động các thành viên. Năm 2016 có 19 thành viên với trên 4ha, sản lượng thu nhập đến 30/9/2016 đạt từ 85 đén 90 tấn. Từ kết quả đó cũng động viên được các thành viên phấn khởi bắt tay, liên kết để phát triển sản xuất.
Việc xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn, đã mang lại nhiều thuận lợi, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm rau của huyện Vân Hồ ra các thị trường, nhất là các mô hình sản xuất rau an toàn đang đi vào hoạt động ổn định. Việc áp dụng mô hình này sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm rau an toàn, chất lượng, hướng tới nhiều thị trường, đáp ứng được nhu cầu của Hợp tác xã về nguồn cung cấp rau ổn định, lâu dài.
Theo đánh giá, việc hình thành Hợp tác xã xuất rau an toàn không những giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, mà còn tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ViệtGAP. Trước nhu cầu sử dụng rau sạch đang ngày một tăng cao, để đưa các sản phẩm đến được với người tiêu dùng, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ tăng cường liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, dần dần hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau, củ, quả của huyện Vân Hồ.
Để thúc đẩy Hợp tác xã phát triển, huyện Vân Hồ đã hỗ trợ nâng cấp hệ thống kênh mương dẫn nước đảm bảo tưới tiêu, đưa nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và tập trung gieo trồng theo hướng đa cây nhằm mang lại thu nhâp cao cho các xã viên và nhân dân. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm dạy nghề tỉnh Sơn La mở các lớp tập huấn kiến thức về quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn, ông Nguyễn Mạnh Du - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho biết.
Các thành viên tham gia được Dự án tập huấn, hướng dẫn hoạt động nhóm và tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất rau an toàn, kết nối thị trường tiêu thụ với sản phẩm rau an toàn của huyện Mộc Châu. Riêng Hợp tác xã rau an toàn Vân Hồ đã thu hút 19 thành viên tham gia, đăng ký sản xuất rau an toàn trên diện tích 4 ha, trồng và cung cấp ra thị trường các sản phẩm như cải bắp, cải bẹ, cải mơ, cải chíp, cải mèo và các loại đậu, củ cải, cà rốt... Sản lượng đạt trên 40 tấn/ha, giá trị thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Chị Hà Thị Lê - xã viên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ phấn khởi nói.
Để có được kết quả đó, Hợp tác xã và các xã viên không chỉ tích cực chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở rộng diện tích để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đa thành phần mà còn ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ để nâng cao chất lượng, sản lượng. Chính vì vậy đã giúp các xã viên làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống và từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển bền vững. Ông Đỗ Đức Hưng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vân Hồ đã nhận được một mục tiêu và định hướng của huyện về mở rộng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng rau an toàn nói riêng trên địa bàn huyện Vân Hồ.
Với những chủ trương hợp lý của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở, cùng cách làm hiệu quả chủ động của người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã và đang thu được những thành quả quan trọng. Từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân, mở ra nhiều cơ hội để huyện Vân Hồ nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
T/h: Mùa Sơn