Bến khủa là bản tái định cư, nằm dọc bên ven sông Đà với 30 hộ
dân sinh sống. Tận dụng mặt nước vùng lòng hồ sông Đà, người dân nơi
đây đã phát triển nghề nuôi cá lồng, mở ra một hướng sản xuất mới góp phần tăng
thu nhập, nâng cao đời sống. Cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm
như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại
cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng
thu nhập.
Đến thăm mô hình nuôi cá lồng của hộ gia đình ông Đinh Văn
Hùng - một trong những hộ nuôi cá lồng nhiều nhất ở bản Bến Khủa, với 8 lồng cá
chủ yếu là cá trắm đen, cá trôi, cá mè, cá trê. Ông Hùng cho biết: Khi mới triển
khai mô hình này, gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn trong việc chọn giống
cá nuôi, kỹ thuật và cách chăm sóc. Với đức tính cần cù, chịu khó, ông tự
mày mò học hỏi xem thêm qua sách, báo, tivi và đi thăm quan học tập kinh nghiệm
nuôi cá lồng của một số hộ ở huyện Mường La, Quỳnh Nhai,…để áp dụng vào thực tế
chăm sóc và phòng bệnh cho cá tại gia đình. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật cùng chế độ ăn
hợp lý, sau một thời gian bè nuôi cá lồng của gia đình ông đã phát triển tốt,
khỏe mạnh, lớn nhanh và không có dịch bệnh. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư gia
đình ông thu trên 200 triệu đồng từ cá nuôi lồng.
Ông Hùng cho biết
thêm: So với sản xuất nông nghiệp đơn thuần, kinh phí để làm một lồng cá khá tốn
kém, tuy nhiên gia đình ông tự nhủ phải lấy ngắn nuôi dài, nên sau khi thu hoạch
lứa cá đầu tiên, đã cho thấy lợi ích kinh tế rõ rệt. Giờ đây, gia đình ông cũng
như bao hộ nuôi cá lồng khác trong bản mong muốn các cấp chính quyền tìm ra hướng
đi hợp lý cho nghề nuôi cá lồng; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ
thuật và nhất là giống cá đảm bảo chất lượng cho người dân.
Là
cán bộ khuyến nông của xã, Ông Đinh Hồng Văn nói: 20 lồng cá đầu tiên được triển
khai tại gia đình ông Hùng đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, ông Hùng đã phối hợp
cùng xã tuyên truyền, vận động các hộ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình
nuôi cá lồng. Đến năm 2016, xã đã phát triển được thêm 5 lồng và đến năm 2017
có chủ trương hỗ trợ của Tỉnh, xã cũng đã triển khai tới người dân làm lồng cá
bằng thép và lồng.
Từ
thành công của ông Hùng, nhiều người dân trong bản cũng bắt đầu mở lồng bè nổi
trên sông để nuôi cá. Kể từ khi có mô hình này, kinh tế dần ổn định người dân
nơi đây cũng vui vẻ, lạc quan hơn. Anh Sa Văn Lợi
ở bản Bến Khủa, chia sẻ, hiện nay gia đình anh có 2 lồng cá trên sông Đà chủ yếu
là nuôi cá trắm đen, ca chê, chép, mỗi năm cho thu hoạch và xuất ra thị trường
trên 3 tấn cá, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng, góp phần trang trải chi phí
sinh hoạt trong gia đình.
Anh
Lợi chia sẻ: Từ ngày chuyển sang nuôi cá lồng, hiệu quả mang lại cho gia đình rất
cao, giúp gia đình bớt đi nhiều khó khăn. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục cố
gắng nhân rộng thêm số lồng cá để tăng thêm thu nhập.
Hiện trên địa bàn xã Song Khủa có 190 lồng cá với sản lượng đạt
hơn 25 tấn/năm, chiếm hơn tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong toàn huyện.
Nuôi cá lồng không chỉ đem lại lợi ích về phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi
trường ít bị ô nhiễm, lượng ôxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông
cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất
lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.
Thông
tin với chúng tôi, Ông Vì Văn Son - Chủ tịch UBND xã Song Khủa cho biết: Song
Khủa có 84km đường sông, rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng và đánh bắt tôm cá
trên sông Đà. Hiện nay, xã đã có cơ chế cho các hộ dọc sông Đà vay vốn để phát
triển lồng cá. Và cũng xin kiến nghị với các cấp hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng về
cá giống và tiêu thụ sản phẩm.
Đối
với người dân vùng ven sông Đà, ngoài làm lao động phổ thông, việc nuôi cá lồng
là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và phù hợp
với chủ trương chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi của tỉnh, huyện cũng như
đặc điểm, tình hình của địa phương. Tuy nhiên, để việc phát triển nuôi cá lồng,
bè theo hướng bền vững, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, chính quyền sở tại và các
cơ quan chức năng của huyện cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu nhằm đưa ra định
hướng, quy hoạch cụ thể hoặc các giải pháp, chính sách phù hợp để mô hình này
thực sự mang lại hiệu quả và chất lượng, đảm bảo
được môi trường, môi sinh, gắn với phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ
trong thời gian tới.
T/h: Sa Vy, Nguyễn Hải