Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, những năm qua, huyện Vân Hồ đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ KHKT công nghệ cao vào sản xuất. Đây cũng là bước đi mà huyện Vân Hồ đang vận dụng trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 08 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp cho các ngành hàng và lộ trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2030. Tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các xã trọng điểm để xây dựng các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với các sản phẩm chủ lực, trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ đạo UBND các xã rà soát, lựa chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác, chăn nuôi của địa phương, tổ chức quy hoạch, phát triển tạo ra sản phẩm hàng hóa, có quy mô.
Sau khi ban hành các văn bản chỉ đạo, việc đầu tiên mà huyện tập trung là tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao, từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, phát huy lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường; hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn và tiến tới xuất khẩu. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm rau, cây ăn quả, lúa, chè,... và nghiên cứu phát triển các giống cây dược liệu, hoa, dâu tây… sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 2, Huyện ủy Vân Hồ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ cấu kinh tế nông thôn của huyện sẽ chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, hình thành trung tâm giống cây, giống con, dịch vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến của huyện, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt tăng từ 15-20%/ha/năm, nâng mức giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao nhiều hơn 3 lần trở lên so với canh tác truyền thống; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm xuống còn 45%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 18,5% trong tổng giá trị nông nghiệp của cả huyện. Hình thành 03 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích sản xuất đạt 2.000ha, có 15 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; Xây dựng 1 - 2 mô hình chăn nuôi, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; Giá trị gia tăng cao hơn từ 30 - 40% so với sản xuất đại trà.
Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra, huyện Vân Hồ cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, huyện đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các địa bàn trọng điểm về nông nghiệp và các địa phương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, làm thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác; cách bố trí nguồn lực và sự phối kết hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thời gian tới ngoài việc tuyên truyền nhân rộng các mô hình điểm, hiệu quả về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tiềm năng lợi thế từng vùng, huyện Vân Hồ sẽ tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; Cùng với đó, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ đảm bảo tăng cường liên kết vùng, nhất là các khu quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện như Vân Hồ, Chiềng Yên, Chiềng Khoa, Tô Múa, Lóng Luông, Xuân Nha và Song Khủa. Tuyên truyền vận động thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, tổ chức sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với kiểm soát, đánh chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xây dựng, đăng ký bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm tạo môi trường thuận lợi trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Xây dựng các điểm thu mua, các kho sơ chế bảo quản tạm thời tại các vùng trồng mục tiêu để kết nối sản xuất quả với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng định hướng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, tin rằng đến năm 2025 huyện Vân Hồ sẽ trở thành một trong những huyện phát triển nhanh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
T/h: Minh Huệ - Sa Vy