image banner
Huyện Vân Hồ tập trung dập dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn
Lượt xem: 165

         Tcuối tháng 2/2021 đến nay, dịch bệnh VDNC trên trâu, bò đã xuất hiện ở tất cả các trên địa bàn huyện với tổng số 155 con gia súc mắc bệnh, đã tiêu hủy 151 con. Trước sự lây lan rộng của dịch bệnh VDNC đã gây không ít thiệt hại về vật chất của người chăn nuôi và hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc của huyện. Nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai, đặc biệt là công tác khoanh vùng, dập dịch và tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho đàn trâu, bò; xây dựng kế hoạch tái đàn an toàn.

        Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xâm nhiễm vào địa bàn huyện từ 11/2020 tại 2 xã Chiềng khoa, Tô Múa. Ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND 2 xã khoanh vùng, dập dịch và công bố hết dịch vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, từ ngày 27/02/2021, bệnh Viêm da nổi cục đã bùng phát trở lại, đến đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện đã quyết định công bố dịch tại tất cả các xã trên địa bàn. Bệnh VDNC lây truyền bằng nhiều con đường thông qua vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò từ nơi này sang nơi khác; qua các vật chủ trung gian như muỗi, ruồi, ve; các sản phẩm từ trâu, bò có mầm bệnh. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông gia súc cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan ra diện rộng. Tính từ cuối tháng 2 đến nay, tổng số con bò nhiễm bệnh Viêm da nổi cục đã tiêu hủy là 151 con với tổng trọng lượng trên 26.529kg tại 46 bản, 117 hộ. Để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện phối hợp với UBND các xã tổ chức giám sát đàn trâu, bò trên địa bàn, tiêu hủy gia súc mắc bệnh tránh lây lan ra diện rộng; cử cán bộ thú y xuống cơ sở hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết dấu hiệu của bệnh; tiêm vacxin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò khỏe mạnh; phun tiêu độc khử trùng khu vực có dịch và vùng đệm, vận động các hộ gia đình có trâu, bò mắc bệnh tiêu hủy gia súc theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Khuyến cáo người chăn nuôi không dấu dịch và tập trung tái đàn 1 cách an toàn.

         Theo nhận định, tình hình dịch bệnh VDNC trên trâu bò vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Việc cần thiết lúc này là phải tăng cường kiểm soát các vùng có dịch, khẩn trương hoàn thiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trước đó, trong đợt tiêm đầu tiên vào cuối năm 2020, toàn huyện đã tiêm được gần 2.000 liều vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò, trong đó có 30 con bò sữa tại xã Vân Hồ; 1.603 con bò cỏ và 197 con trâu tại xã Chiềng Khoa. Trong đợt 2, tiến hành tiêm tại 5 xã với tổng số 2.525 liều, trong đó Song Khủa 1.250 liều; Quang Minh 700 liều; Mường Tè 300 liều; Liên Hòa 250 liều; Mường Men 25 liều, các xã còn lại đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho đàn bò. Dự kiến, từ nay đến hết tháng 6, huyện sẽ hoàn thành việc tiêm 12.000 liều vacxin đã được cấp đảm bảo an toàn, đúng kế hoạch. Số trâu, bò đã tiêm vắc xin đều khỏe mạnh, không bị phản ứng, sốc thuốc sau tiêm. Qua thống kê, toàn huyện hiện có 8.489 con  trâu; 29.885 con bò, trong đó đàn bò sữa là 2.000 con.

         Ngoài các biện pháp đã và đang triển khai cùng ý thức trách nhiệm của người chăn nuôi trên địa bàn, UBND huyện cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin tuyên truyền, tập huấn kiến thức nhận biết và cách phòng tránh bệnh VDNC cho người chăn nuôi, cán bộ thú y cơ sở. Đẩy mạnh vệ sinh, sát trùng, tiêu độc hằng ngày đối với nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh. Chủ động giám sát gia súc có biểu hiện mắc bệnh, nghi nhiễm, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay khi còn trong diện hẹp. Hỗ trợ các hộ chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh buộc phải tiêu hủy với định mức Nhà nước quy định. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch. Lập phương án, kế hoạch tái đàn hiệu quả, an toàn, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, đảm bảo chăn nuôi bền vững, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

T/h: Kiều Anh (Bài TT)

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập