Lao động nông thôn trên địa bàn xã Quang Minh tham gia đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả
Lượt xem: 335

Thưa quý vị và các bạn! Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, góp phần nâng cao giá trị trên 1ha diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp họ nắm được quy trình kỹ thuật, thay đổi nếp nghĩ cách làm là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng được huyện Vân Hồ đặc biệt quan tâm. Và mới đây, Phòng LĐ- TB và xã hội huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Sơn La mở lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho người dân bản Nà Bai, xã Quang Minh.

Gần 1 tháng qua, các hộ nông dân bản Nà Bai xã Quang Minh đều đặn có mặt tại Nhà Văn hóa bản mỗi ngày để tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Tại đây, các học viên được trao đổi những kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài những tài liệu, giáo trình cơ bản, các giảng viên đến từ Trường Cao đẳng Sơn La đã giải đáp nhiều vướng mắc của người dân liên quan đến kỹ thuật tỉa lá, bón thúc phân cho cây vào từng thời điểm cụ thể, cách phòng trừ sâu bệnh,...Chương trình nằm trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có thu nhập thấp và người dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Vân Hồ.

Thầy giáo Vũ Minh Toàn, Phó Trưởng Khoa Nông lâm, Trường Cao đẳng Sơn La cho biết: Với thời gian tương đối ngắn, do vậy chúng tôi đã lựa chọn những nội dung học cần nhất với bà con, để bà con nắm và tiếp thu được. Ngoài giờ học lý thuyết ra thì có giờ học thực hành trực tiếp trên đồng ruộng với hình thức cầm tay chỉ việc, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình đào tạo.

Là học viên thuộc diện tham gia lớp tập huấn, đào tạo nghề lần này, chị Đinh Thị Hòa cùng 24 học viên khác đã nắm được những kiến thức cơ bản, cách thiết kế vườn cây ăn quả, tạo tán và chăm sóc cây. Đồng thời được hướng dẫn, giới thiệu 1 số giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; kỹ thuật ghép cải tạo bổ sung một số loại giống mới như xoài, đào, cam; lựa chọn thời điểm, các bước thực hiện ghép; quy trình theo dõi, chăm sóc sau khi ghép; các loại bệnh trên cây điều và phương pháp phòng, trị bệnh;…

Học viên Đinh Thị Hòa – Bản Nà Bai, xã Quang Minh chia sẻ: Hiện gia đình tôi có 1 vườn cam rộng khoảng 5000m2, sau này về tôi sẽ áp dụng những bài đã được học trên lớp và đã được đi thực hành thực tiễn áp dụng vào để chăm sóc vườn cây của nhà mình để làm sao được hiệu quả năng suất cao nhất.

Là xã nằm dọc vùng sông Đà, khí hậu nóng, phù hợp trồng các loại cây ăn quả như nhãn, xoài và các loại cây có múi. Qua tuyên truyền vận động nhân dân, đến nay Quang Minh đã có 191 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, nhãn, bưởi. Doanh thu trên 1ha ước đạt 60 đến 70 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân tham gia phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật nên hiệu quả năng suất chưa cao.

Ông Quách Công Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh thông tin: Cách đây 5 năm, người dân trong xã chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai sắn, sau đó chuyển đổi dần sang cây trồng các loại cây như nhãn, xoài, tuy nhiên kiến thức trồng, chăm sóc và khả năng ứng dụng KHKT còn hạn chế. Qua lớp học này chúng tôi mong muốn người dân nắm được kiến thức, áp dụng vào quá trình chăm sóc vườn trồng tại cơ sở để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường)

Thầy giáo Vũ Minh Toàn, Phó Trưởng Khoa Nông lâm – Trường Cao đẳng Sơn La cho biết thêm: thông qua hoạt động này tôi thấy bà con nông dân rất chăm chỉ, chịu khó, cần mẫn. Với vai trò là đơn vị đào tạo, chúng tôi sẽ hỗ trợ, giúp bà con biết cách ứng dụng KHKT vào sản xuất, canh tác, để bà con yên tâm canh tác, mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập)

Nối tiếp thành công của lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, xã Quang Minh đang tiếp tục phối hợp triển khai mở lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tại bản Lòm. Mặc dù đào tạo ngắn hạn nhưng nhờ bám sát nhu cầu thực tiễn của người dân nên bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện giúp nông dân có việc làm tại chỗ, đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

T/h: Minh Huệ

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập