Men theo con đường dốc quanh co, dưới những
tán rừng xanh mướt chúng tôi tìm đến bản Cong, xã Quang Minh. Là bản có diện tích rừng phòng hộ và sản xuất
lớn nhất xã, những năm qua nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sự phối hợp chặt
chẽ giữa người dân, chính quyền và các cơ quan chức năng, những cánh rừng nơi
đây vẫn giữ được màu xanh ngút ngàn, bản Cong trở thành một điểm sáng trong
công tác quản lý và bảo vệ rừng của huyện Vân Hồ.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lường Văn Tói, Trưởng bản Cong cho biết: Bản nhận
khoanh nuôi, bảo vệ trên 1.756ha trong tổng số hơn 4.771ha diện tích rừng của xã Quang Minh, trong đó:
Chủ rừng là hộ gia đình nhận bảo vệ 303 ha; chủ rừng là cộng đồng bản nhận bảo vệ 451 ha và chủ rừng là các khối đoàn thể bản nhận bảo vệ 1.001ha. Bản Công không chỉ là địa phận giáp ranh giữa huyện Vân Hồ và huyện
Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình mà còn là bản giáp với hệ thống đường thủy của sông Đà,
nên việc bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Dù vậy,
trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn luôn được bản quan tâm
và có cách làm chặt chẽ.
Hơn 20 năm trở lại đây, rừng do bản quản lý
không có vụ vi phạm chặt phá, khai thác trái phép nào và không để xảy ra cháy rừng.
Từ sự đồng thuận cao của dân bản, những quy định giữ rừng được đưa vào hương ước, quy ước của
bản và được mọi người tự giác chấp hành. Cùng với đó, Ban quản lý bản cũng thường
xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ tổ chức tuyền truyền, nâng cao ý
thức của người dân và định kỳ tham gia các cuộc tuần rừng chung; 100% số hộ
trong bản đã ký cam kết bảo vệ và không xâm hại rừng; thành lập tổ quản lý và bảo
vệ rừng với 20 thành viên thường xuyên tuần tra diện tích rừng được giao quản lý, nhắc nhở những gia đình có nương giáp ranh với rừng chấp hành tốt
quy định về sản xuất nương rẫy; ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây cháy rừng,
kịp thời phát hiện và xử lý các đám cháy.
Bản
Cong hiện có 92 hộ,
402 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc
Thái, cuộc sống của người dân
chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, thế nhưng công tác quản lý và bảo vệ rừng vẫn luôn nhận được sự đồng thuận cao của dân bản. Ngay cả khi không được hỗ trợ về mặt
kinh phí thì bản Cong vẫn duy trì từ 3 - 4 thành viên trong đội quản lý, bảo vệ rừng. Những năm gần đây, được sự quan
tâm của nhà nước, cộng đồng bản đã được thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền khoảng 600 triệu đồng/năm,
bên cạnh đó với mỗi hộ nhận diện tích rừng khoanh nuôi và bảo vệ sẽ được chi trả 360 nghìn đồng/1ha/năm. Từ nguồn vốn đó, các gia
đình có thêm một nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống. Khi có tiền dịch
vụ bảo vệ rừng, nhân dân cũng thống nhất trích một phần để làm quỹ phục vụ cộng
đồng, làng bản như hoàn thiện 0,9km đường giao thông nông thôn; kiến cố hóa 300m mương phai; mở 2km đường đến
khu sản xuất của bản; mua sắm thiết bị cho
nhà văn hóa; tu sửa điểm trường mầm non, tiểu học để con em được
học trong những nhà lớp học kiên cố.
Rừng được bảo vệ cũng đồng nghĩa với việc mang lại
nhiều lợi ích cho bà con, trong đó việc thu, hái các lâm sản phụ từ rừng với
khoản thu nhập ổn định là một trong những lợi ích thiết thực nhất. Là hộ gia
đình nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 5ha rừng của bản, chị Hà Thị Hướng chia sẻ hằng
năm nguồn thu lâm sản phụ của gia đình chị là măng tre, sau khi sơ chế măng khô
bán ra thị trường với giá trung bình 100 nghìn đồng/1kg. Vừa qua, gia đình chị
đã mạnh rạn đầu tư máy sấy măng công nghiệp trị giá 100 triệu đồng, măng tre
sau khi thu hoạch được mang về sơ chế ngay nên chất lượng cũng cao hơn.
Những năm gần đây trong bản không vụ việc nào phát vén, xâm lấn vào đất rừng
làm nương, bản đã chủ động định hướng người dân tập trung vào làm ruộng và phát
triển nghề chế biến lâm sản phụ. Trước mỗi mùa khô đến, bên cạnh việc tuyên truyền cho bà con việc quản lý, bảo vệ rừng, bản Cong đã thực hiện tốt
phương châm “4 tại chỗ”, phát động nhân dân tham gia phát dọn các tuyến đường băng cản lửa, bảo đảm khoảng
cách an toàn giữa rừng và nương; tổ chức ký cam kết với từng hộ về việc đốt
nương làm rẫy an toàn, đúng giờ quy định.
Câu chuyện giữ rừng ở bản Cong không chỉ là chuyện
riêng của bản và người dân nơi đây, mà còn là kinh nghiệm cần được chia sẻ để
các địa phương khác học tập, làm theo.
T/h: Thanh Tùng, Nguyễn Hiếu