image banner
Song Khủa quan tâm phát triển chăn nuôi đại gia súc
Lượt xem: 137


Với lợi thế địa hình đồi núi, nhiều bãi chăn thả tự nhiên, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, xã Song Khủa đã tích cực vận động nhân dân từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang bán chăn thả. Đồng thời phát huy có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình cách làm chuồng trại đúng tiêu chuẩn, đảm bảo thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông;  chế độ ăn uống phù hợp; phòng, chống dịch bệnh hiệu quả,... Đến nay, tổng đàn gia súc của xã có gần 4.200 con.

Là một trong những bản tái định cư của xã Song Khủa sau trận lũ lịch sử năm 2017, gần 3 năm định cư, bà con Suối Sấu đã dần ổn định cuộc sống và tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sức sống mới đang hồi sinh cả về diện mạo nông thôn và đời sống tinh thần. Dẫn chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Mùi Văn Vân, một trong những hộ nuôi trâu bò lâu năm nhất tại xã Song Khủa với số lượng lên tới 130 con bò, 20 con trâu, 14 con  ngựa. Chia sẻ với chúng tôi ông Vân cho biết: Trước đây, thu nhập chủ yếu của gia đình ông phụ thuộc vào trồng ngô trên nương, nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Khi nhiều gia đình lựa chọn hướng đi nhờ chuyển sang trồng cây ăn quả, thì ông Vân lại chọn chăn nuôi đại gia súc, bởi ông nghĩ với hơn 400ha rừng khoanh nuôi, ông có thể vừa chăn thả gia súc, vừa kết hợp trồng cỏ voi để cung cấp thức ăn cho đàn vật nuôi. Tích tiểu thành đại, bằng số tiền có được sau 5 năm từ 20 con đầu tiên, năm 2000, ông quyết định đầu tư sửa chữa, xây dựng trang trại nuôi trâu, bò lấy thịt và bán con giống. Với kinh nghiệm sẵn có cùng  sự cần cù, chăm chỉ lại biết áp dụng chế độ chăm sóc, ăn uống hợp lý, đàn gia súc của gia đình ông Vân cứ thế tăng dần qua các năm và luôn đảm bảo chất lượng, không bị bệnh. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu về từ 400 - 600 triệu đồng.

Cũng như gia đình ông Vân, đến bản Co Súc hỏi gia đình ông Chắc nuôi bò, chẳng ai là không biết. Bởi trang trại của gia đình ông cũng có quy mô, số lượng lớn không kém, lại chuyên chăn nuôi trâu, bò thương phẩm để cung cấp thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Để đàn gia súc phát triển tốt, ông Chắc không ngần ngại đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi tiêu biểu trên địa bàn và các tỉnh lân cận rồi áp dụng vào trang trại của gia đình nhằm phát huy hiệu quả tối ưu. Mỗi năm trang trại chăn nuôi trâu, bò của gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 21tấn thịt thương phẩm với chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh ATTP và rất được người tiêu dùng tin tưởng. Hiện, trang trại của gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động, với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc trên địa bàn, xã Song Khủa đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực ngắn ngày, kém hiệu quả sang trồng cỏ VA06; thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn và áp dụng chế độ ăn uống hợp lý giúp vật nuôi có sức khỏe tốt, đảm bảo chất lượng.

 “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” - với phương thức này, người nông dân Song Khủa không chỉ yên tâm phát triển kinh tế mà còn tạo đòn bẩy để địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới. Chính sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và người nông dân, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Với kết quả này, tin rằng, hành trình về đích NTM của Song Khủa sẽ không còn xa. 

T/h: Sa Vy, Kiều Anh

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập