Là xã vùng 3 biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, cấp ủy chính quyền xã Tân Xuân xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy KT-XH của địa phương ngày càng phát triển. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân, nhiều diện tích đất canh tác kém hiệu quả đã được thay thế bởi những vườn cây xanh mướt, trĩu quả; nhiều mô hình chăn nuôi được hình thành có quy mô và đảm bảo tiêu chuẩn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 diện tích đất canh tác. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vốn, cây con, giống mới có năng suất cao, nguồn gốc xuất xứ đảm bảo cho người nông dân, thành lập các HTX và quan trọng là tìm đầu ra cho sản phẩm…
Từ chủ trương đến hiện thực, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây như cam, xoài, nhãn, bơ, mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 17,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36,9%. Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn xã đạt 258ha, với chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn VietGap.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm cũng được hình thành và phát triển theo hướng trang trại. Cùng với việc nhập các con giống đảm bảo chất lượng cao, xã cũng tập trung phát triển giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế kết hợp với trồng cỏ phục vụ chăn nuôi... Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã là 34.467 con, trong đó: đàn trâu 1.136 con, bò 2.772 con; 260 con dê; đàn lợn 2.272 con; trên 28.000 con gia cầm các loại. Để nâng cao thu nhập và cũng là tận dụng lợi thế của vùng lòng hồ Thủy điện Trung Sơn, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển mô hình nuôi cá lồng, với các giống cá được thị trường ưa chuộng, có chất dinh dưỡng cao như: cá dầm xanh, cá trắm, rô phi,… Hiện toàn xã có 96 lồng cá với khoảng 4,8ha, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng hàng năm đạt 8 tấn.
Những nỗ lực của Tân Xuân trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã và đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp, thể hiện quyết tâm cao của chính quyền địa phương nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập cho người dân. Đây cũng là điều kiện quan trọng, tiên quyết để Tân Xuân phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, sớm về đích NTM.
T/h: Sa Vy, Kiều Anh