Nằm cách trung tâm xã Chiềng Yên khoảng 2 km, bản Leo có 50 hộ, 217 nhân khẩu, với trên 90% là đồng bảo dân tộc Dao sinh sống. Hiện nay bản đang nhận quản lý và bảo vệ trên 800 ha rừng, trong đó có 34 chủ rừng là hộ gia đình ; 1 chủ rừng là cộng đồng bản và 3 chủ rừng là các khối đoàn thể bản nhận quản lý và bảo vệ. Để làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, hàng năm bản Leo đều tổ chức kiện toàn Tổ quản lý và bảo vệ rừng với 15 thành viên, phân công các thành viên trong tổ thực hiện việc tuần tra rừng theo định kỳ hàng tháng, kịp thời nhắc nhở những gia đình có nương giáp ranh với rừng chấp hành tốt quy định về sản xuất nương rẫy, không lấn chiếm đất rừng làm nương. Đặc biệt, việc quản lý, bảo vệ rừng đã được Ban quản lý bản đưa vào hương ước, quy ước của địa phương với 100% số hộ ký cam kết bảo vệ và không xâm hại rừng. Ngoài ra, bản cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện phụ trách địa bàn tổ chức tuyền truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Từ việc nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, hàng năm bản Leo đều được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng chế độ và quy định của Nhà nước. Chỉ riêng năm 2018, bản đã được chi trả số tiền 357 triệu đồng. Từ nguồn tiền này, ngoài việc thực hiện chi trả cho các thành viên tham gia Tổ quản lý và bảo vệ rừng để duy trì hoạt động, bản Leo còn sử dụng vào việc sửa chữa, mua sắm thiệt bị tại nhà văn hóa bản; sửa chữa điểm trường, lớp học của bản; đóng góp làm 0,3 km đường giao thông nông thôn nội bản; làm mới, sửa chữa 11 km đường vào khu sản xuất; hỗ trợ các hộ nghèo dịp tết Nguyên Đán; cứu đói giáp hạt; trao học bổng khuyến học cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập…
Để tăng thêm thu nhập từ diện tích rừng, Ban quản lý bản đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây sa nhân dưới tán rừng, hiện toàn bản có trên 10 ha cây sa nhân, trừ chi phí, 1ha sa nhân cho thu nhập bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Không chỉ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; trồng cây dưới tán rừng, bản Leo còn tích cực triển khai thực hiện trồng rừng thông qua các dự án hỗ trợ của nhà nước hay các đợt phát động trồng cây của huyện, xã,…Với những lợi ích từ rừng mang lại, nhiều hộ dân trong bản đã tự nguyện đầu tư chi phí để trồng rừng hoặc phát triển cây lâm nghiệp trên diện tích đất canh tác kém hiệu quả, qua 4 năm bản Leo đã trồng mới được gần 30ha rừng và 10.000 cây phân tán.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về những lợi ích của rừng mang lại, nhiều năm gần đây bản Leo không xảy ra vụ việc nào phát vén, xâm lấn vào đất rừng làm nương, bản đã chủ động định hướng người dân tập trung vào làm ruộng và phát triển nghề chế biến lâm sản phụ. Trước mỗi mùa khô đến, bên cạnh việc tuyên truyền cho bà con phòng cháy chữa cháy rừng, bản Leo đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát động nhân dân tham gia phát dọn các tuyến đường băng cản lửa, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa rừng và nương; tổ chức ký cam kết với từng hộ về việc đốt nương làm rẫy an toàn, đúng giờ quy định.
Từ câu chuyện quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng ở bản Leo xã Chiềng Yên, tin tưởng rằng người dân hoàn toàn có thể xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ rừng. Hơn thế nữa, đây còn là địa phương nằm trong vùng Quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu, việc giữ rừng gắn với hình thành các tour du lịch trải nghiệm khám phá sẽ là lời giải cho bài toán kinh tế ở xã Chiềng Yên nói riêng, huyện Vân Hồ nói chung. Vì vậy, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng, mỗi người dân sẽ thực sự trở thành “chiến sĩ” của rừng, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
T/h: Thanh Tùng, Minh Thắng