Thực hiện Nghị định số 83 ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2017, huyện Vân Hồ đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Vân Hồ là huyện có địa hình phức tạp, chia cắt, chủ yếu là đồi núi cao xen kẽ giữa các khe suối, giao thông đị lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, khí hậu khắc nghiệt về mùa đông, sương mù bao phủ gây hạn chế tầm nhìn, mùa mưa kéo dài, hiện tượng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất thường xuyên xảy ra. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nguồn nước phục vụ công tác PCCC&CNCH trên địa bàn huyện chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trình độ dân trí không đồng đều, tình hình khô hạn kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy nổ, nhất là cháy nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng vẫn còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Trong 5 năm, trên địa bàn huyện đã xảy 04 vụ cháy, 01 trận lũ quét khiến 04 người chết, 02 người mất tích, 01 người bị thương và gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 337.000.000 đồng.
Để phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ và thiệt hại, tai nạn, sự cố do thiên tai và cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, huyện đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn và các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH đến đông đảo quần chúng nhân dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Trong 5 năm, các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã phối hợp xây dựng 20 tin bài, phóng sự liên quan đến công tác PCCC&CNCH, ứng phó thiên tai, phát trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở được 121 lượt, tổ chức 28 lượt tuyên truyền lưu động, 68 buổi tuyên truyền miệng với 8.200 người tham gia. Tổ chức in ấn, căng treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng tháng an toàn PCCC. Vận động người dân ký cam kết đảm bảo an toàn về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình; trang bị các bảng nội quy PCCC, bình chữa cháy; hướng dẫn người dân biện pháp PCCC, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ; chỉ rõ các hành vi vi phạm về PCCC; hậu quả, thiệt hại do cháy nổ gây ra; biểu dương các gương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC... Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm chung tay PCCC và CNCH.
Công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Chỉ đạo lực lượng Công an huyện tổ chức, phối hợp với Phòng PC07 - Công an tỉnh tổ chức 11 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng trên địa bàn với 1.689 lượt người tham gia; Hướng dẫn, tổ chức diễn tập phương án PCCC và CNCH cho 03 cơ sở với 60 người tham gia. Hướng dẫn UBND các xã xây dựng 08 cụm dân cư an toàn về PCCC; duy trì có hiệu quả hoạt động của 121 đội dân phòng với 1.343 đội viên; hướng dẫn 82 cơ sở trên địa bàn thành lập đội PCCC cơ sở với 682 thành viên.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về PCCC được triển khai thường xuyên, qua đó kịp thời phát hiện, kiến nghị, hướng dẫn các đơn vị khắc phục những thiếu xót, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong PCCC. Riêng năm 2020, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đối với 78 cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa, 05 lò sấy nông sản, 02 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 01 gara ô tô; 85 hộ kinh doanh kết hợp với nhà ở về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Năm 2022, tiến hành kiểm tra đối với 82 cơ sở thuộc diện quản lý.
Công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn huyện luôn đảm bảo sẵn sàng về lực lượng và phương tiện tại chỗ để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; Công an huyện, Ban Chỉ huy quân sự huyện, UBND các xã chủ động xây dựng, luyện tập, diễn tập UPCR - TKCN tại xã Lóng Luông; Công ty chè Tô Múa và Công ty CPĐT&SX chè Tô Múa; diễn tập phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tại xã Suối Bàng; diễn tập PCCCR tại xã Quang Minh, Mường Tè. Năm 2021, chỉ đạo UBND các xã kiện toàn ban chỉ đạo PCCC & CNCH; các đội PCCC & CNCH dân phòng. Hướng dẫn xây dựng phương án PCCC sát với tình hình cháy, nổ tại địa phương; thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại UBND các xã, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu vực dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC&CNCH; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH với các lực lượng PCCC trên địa bàn trong xử trí các tình huống cháy nổ, CNCH. Quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH từ cấp huyện đến các xã, các đơn vị cơ sở; củng cố lực lượng dân quân tự vệ, công an viên, kịp thời huy động khi có sự cố xảy ra.
Thời gian tới, huyện Vân Hồ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, có hiệu quả các văn bản, hướng dẫn công tác PCCC đến các tầng lớp nhân dân; thường trực 24/24 giờ tại đơn vị, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra; rà soát, kiểm tra, quản lý, sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm phát huy tối đa tính năng, tác dụng của các phương tiện, dụng cụ chữa cháy; Khảo sát nắm chắc địa bàn, cơ sở, tình hình giao thông, nguồn nước, tính chất, đặc điểm cháy, nổ của từng địa bàn, cơ sở để chủ động phương án PCCC&CNCH. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, kiểm tra định kỳ, đột xuất về an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở thuộc diện phân cấp quản lý, nhân rộng các mô hình PCCC trên địa bàn, nâng cao ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC.
T/h: Kiều Anh