Huyện Vân Hồ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP
Lượt xem: 47

    Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP nhằm nâng cao nhận thức cho đơn vị sản xuất và người tiêu dùng; Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm cam kết không vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP - đó là 2 trong rất nhiều giải pháp đã và đang được cấp ủy đảng, chính quyền huyện Vân Hồ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe nhân dân.

    Là huyện cửa ngõ của tỉnh Sơn La và nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 6 cách Hà Nội 160km, có đường biên giới tiếp giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Ngay từ khi mới thành lập, huyện Vân Hồ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế- xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như khách du lịch khi đến địa bàn; hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP” và tăng cường triển khai các đợt kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP. Đến nay, toàn huyện có 608 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có khoảng 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm và 281 cơ sở sản xuất chế biến. Đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh này đều nhỏ lẻ với nguồn thực phẩm nhập từ nhiều vùng trong và ngoài huyện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

    Mặt khác, ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm chưa cao nên công tác quản lý nhà nước về ATTP gặp nhiều khó khăn. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác vệ sinh ATTP, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, kiểm soát tốt các vấn đề về vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục từ huyện đến cơ sở, từng bước nâng cao nhận thức ở các cấp quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP. Hệ thống tổ chức quản lý đang dần được hoàn thiện, từng bước được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đã chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân, nhất là bà con các xã vùng sâu, vùng xa; tổ chức các lớp tập huấn vệ sinh ATTP cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Triển khai các đợt giám sát cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là giám sát bếp ăn tại các trường có tổ chức nấu ăn bán trú, qua đó kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về VSATTP, nhất là việc lạm dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo quản thực phẩm; việc lưu thông thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc...

    Song song với đó, UBND huyện cũng tập trung kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo VSATTP; phát huy vai trò của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng trong công tác chỉ đạo, quản lý, thực hiện VSATTP theo quy định của pháp luật. Bộ máy làm công tác VSATTP được huyện chú trọng. UBND huyện chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo liên ngành, tổ liên ngành về VSATTP các cấp, bố trí ổn định số lượng và nâng cấp chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP các cấp.

    Đến nay, Ban chỉ đạo VSATTP cấp huyện và các xã đã thành lập và đi vào hoạt động tương đối ổn định, nền nếp. Đội ngũ tuyên truyền viên thuộc các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp từng bước ổn định, phát triển. Công tác quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn tiếp tục được quan tâm, tập trung vào đối tượng sản xuất rau quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản với quy mô tập trung gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và việc chứng nhận điều kiện VSATTP, chứng nhận hợp quy hoặc phù hợp chất lượng hàng hóa.

    Thời gian tới, huyện Vân Hồ sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08 của Bộ Chính trị, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đối với công tác đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục bằng nhiều hình thức, góp phân nâng cao dân trí, giúp người dân trở thành người tiêu dùng thông thái; chú trọng sản xuất sản phẩm an toàn theo công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để dần chiếm lĩnh thị trường và đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở thực phẩm theo phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát đột xuất và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về ATTP, qua đó chăm sóc, bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập