Lớp học xóa mù chữ nơi biên cương
Lượt xem: 95

Những năm qua, công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện Vân Hồ được ngành giáo dục quan tâm, phối hợp thực hiện. Đặc biệt ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đãbiết đọc, biết viết” nhờ những lớp học xóa mù. Những tiếng ê a, những phép cộng trừ vang lên trong đêm đã tiếp thêm nghị lực cho những “thầy giáo đặc biệt” nơi vùng biên giới.

…Những bài học vốn chỉ dành cho học sinh lớp 1 nhưng đối với những học viên của lớp học xóa mù chữ này, đó là những bước đi đầu tiên trong hành trình nỗ lực tiếp cận ánh sáng tri thức… Khác với những lớp học chữ thường thấy, lớp học xóa mù ở bản Cột Mốc, xã Tân Xuân rất đa dạng về độ tuổi.  47 học viên tham gia, người cao tuổi nhất là 46, thấp nhất là 12, thậm chí có người đã lên ông, lên bà, nhưng lại là lần đầu tiên biết đến con chữ.

Năm nay đã 30 tuổi,  nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, nên ngay nhỏ chị Giàng Thị Dua đã không được đi học. Bao năm sống trong cảnh mù chữ, cuộc sống của Dua giống như "bóng tối thu nhỏ". Được cán bộ xã, bản tuyên truyền vận động, chị Dua đã không chần chừ mà đăng ký tham gia ngay lớp học. Mặc dù nét bút còn ngượng nghịu, vụng về, nhưng bù lại chị Dua đã có thể tự viết, tự đọc, điều mà chị từng nghĩ đó là ước mơ.

Chị Giàng Thị Dua – Học viên lớp xóa mù chữ bản Cột Mốc, xã Tân Xuân chia sẻ: năm nay tôi 30 tuổi, trước đây gia đình khó khăn, bố mẹ không được đi học, năm nay mở lớp xóa mù, tôi phải đi học để biết chữ, biết ký tên, biết dạy con học và phát triển kinh tế

Lớp học xóa mù chữ ở bản Cột Mốc càng trở nên đặc biệt hơn khi người trực tiếp đứng lớp lại là những thầy giáo "mang quân hàm xanh". Không chỉ cầm súng canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, giờ đây những người lính biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Chiềng Sơn còn tình nguyện đứng lớp, mang tri thức đến với bà con dân bản.

Việc mở một lớp học xóa mù chữ ở biên giới không hề dễ dàng và để bà con chăm chỉ đi đến lớp học lại càng khó hơn. Để lớp học đông đủ, sôi nổi như thế này, những “thầy giáo đặc biệt” ấy phải lựa chọn những phương pháp giảng dạy phù hợp giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ. Không chỉ học chữ, những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế cũng được các thầy chia sẻ, trao đổi cùng bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thiếu tá Trần Văn Phúc –Đội Kiểm soát hành chính – Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cho biết: Học viên chủ yếu là những người mù chữ, chủ yếu là lao động chính trong gia đình, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, thường mặc cảm với bản thân, hay xấu hổ. Qua lớp này, gặp rất nhiều khó khăn nhưng mình cũng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, làm sao cho bà con thực tế dễ hiểu nhất, cụ thể là biết đọc, biết viết và góp phần phát triển kinh tế, giao tiếp xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới)

Sùng A Chà – Học viên lớp xóa mù chữ bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, bày tỏ: Năm nay may mắn Đồn Biên phòng mở lớp xóa mù chữ cho bà con nhân dân, để những người già không biết chữ được đi học để được giao lưu, giao tiếp. Các thầy dạy rất dễ hiểu, dễ nhớ

Với đặc thù 100% hộ gia đình trong bản là đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Để vận động bà con đến lớp, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cùng các thầy cô giáo trường Tiểu học &THCS Tân Xuân đã đến từng nhà, vận động từng người đi học.

Đồng chí Hà Xuân Thuyền – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân thông tin: Riêng bản Cột Mốc còn trên 29% người mù chữ, như vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước và việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, muốn tuyên truyền một cái gì đó phải có người phiên dịch mới có thể hiểu được. Cho nên cán bộ Biên phòng đã phối hợp với nhà trường xuống từng bản, từng hộ dân để tuyên truyền. Sau khi tuyên truyền, vận động một thời gian đã được 47 học viên, trong khi đó có rất nhiều hộ cả vợ, cả chồng không biết chữ đã đăng ký tham gia lớp học xóa mù chữ

Khi mặt trời khuất sau những dãy núi cũng là lúc lớp học xóa mù chữ ở bản Cột Mốc lại sáng đèn. Gác lại những lo toan của cuộc sống mưu sinh, người dân bản Cột Mốc lại rủ nhau đến lớp, cùng đánh vần những chữ cái phổ thông. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tin rằng “Ánh sáng" từ con chữ chắc chắn sẽ giúp người dân nơi đây tiến gần hơn với ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, chung tay góp sức thay đổi diện mạo những bản vùng cao miền biên cương của Tổ quốc.

 

T/h: Kiều Anh, Minh Huệ 

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập