Nghị lực và tình yêu trẻ của cô giáo vùng cao
Lượt xem: 57

Những tưởng trang giáo án và ước mơ “gieo chữ” cho trẻ em vùng cao, người DTTS của cô giáo Vì Thị Nhân, Trường MN Lóng Luông huyện Vân Hồ phải khép lại sau biến cố trong vụ tai nạn cách đây hơn 3 năm khiến cô vĩnh viễn mất đi 1 chân phải. Thế nhưng, bằng nghị lực của bản thân cùng những ký ức với học trò, cô đã vượt qua trở ngại, khó khăn để tiếp tục hành trình “ươm mầm xanh” nơi rẻo cao này.

 Từng công tác tại nhiều điểm trường khó khăn của xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, cô giáo Vì Thị Nhân hiểu rõ những thiệt thòi, vất vả của học sinh nơi đây, nhất là với trẻ mầm non. Chính vì tình yêu nghề, mến trẻ mà suốt những năm công tác tại các điểm trường lẻ, dù đường đi lại khó khăn, dù điểm trường chỉ là căn nhà gỗ siêu vẹo, đã xuống cấp hay những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT,…cũng không làm cô Nhân nản lòng. Cô Nhân chia sẻ: Năm 2008 tôi được nhận công tác tại Trường Mầm non Lóng Luông và được Ban giám hiệu phân công tôi đi các điểm trường lẻ, mọi thứ còn rất khó khăn. Lúc tôi bị tai nạn, tôi nghĩ mình không thể vực dậy được nữa, thế nhưng khi tôi được trở về nhà thì tôi nhận thấy bản thân không được may mắn như mọi người nhưng ngược lại tôi còn mạng sống, tôi còn nhìn thấy con, thấy bạn bè đồng nghiệp đi công tác nên mình phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Trong thời gian tôi đi công tác, tôi cũng được Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho tôi không phải đứng lớp 1 mình và các cô giáo cũng giúp đỡ tôi rất nhiều công việc

Gần 1 năm sau biến cố, cô Nhân cùng chồng vay mượn thêm tiền để lắp chân giả thay cho chiếc nạng gỗ và cũng là để cô tiếp tục được gắn bó với học trò. Cô Nhân cho biết thêm: Tôi bị tai nạn gần 1 năm mới đi lắp chân. Tôi cảm tưởng mình không thể đi được cái chân này. Nhưng thôi mình phải cố gắng để tập đi và đến bây giờ tôi đã quen với việc đi chân giả. Khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời, chân của tôi vẫn còn rất đau

 Năm học 2021 - 2022, cô giáo Vì Thị Nhân được giao đứng lớp mẫu giáo nhỡ tại Điểm trường Săn Cài, cách trung tâm 4km, 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Học trò của cô là những bạn nhỏ vừa đáng yêu lại hiểu chuyện. Trong các tiết học vận động, các em đều tự bảo ban nhau không khiến “mẹ Nhân” phải nhắc nhở hay phiền lòng và những tiếng ê a đọc từng chữ cái, con số, những bài thơ đầu đời vẫn hàng ngày vang lên từ lớp học của cô giáo Vì Thị Nhân. Là người được giao đứng lớp cùng cô Nhân, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh bày tỏ: Mặc dù cô bị tàn tật như vậy, nhưng cô rất nhiệt huyết, nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ. Thời gian tôi phải xuống Co Chàm làm điểm trường cùng các cô giáo, một mình cô phải đứng lớp, nhưng cô vẫn dạy dỗ các con rất tốt

Từ 1 người lành lặn trở thành người khiếm khuyết là điều không ai muốn, nhưng từ khiếm khuyết ấy mạnh mẽ vươn lên và truyền cảm hứng cho nhiều người thì đó là cả 1 hành trình, là nghị lực, là khát khao cống hiến của những con người luôn sống với đam mê và niềm tin vào cuộc sống. Ai đó đã từng nói rằng “Nếu xe bị hỏng và bạn phải dắt bộ một quãng đường, hãy nghĩ đến những người khuyết tật chỉ mong có thể tự bước đi vài bước”. Chính từ tâm niệm ấy mà với cô giáo Vì Thị Nhân, dù bước đi bằng chiếc nạng gỗ hay chiếc chân giả thì cũng không ngăn được bước chân cô hàng ngày đến lớp bên học trò thân yêu. Cô Nhân mong muốn thời gian tới Ban giám hiệu và đồng chí đồng nghiệp sẽ tạo điều kiện cho tôi trong quá trình công tác và mong muốn bản thân sẽ được cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giảng dạy

Sau giờ giảng dạy trên lớp, cô giáo Vì Thị Nhân lại về bên tổ ấm gia đình, trọn vẹn thiên chức của một người con dâu hiếu thảo, 1 người vợ đảm đang và 1 người mẹ mẫu mực của 2 con gái nhỏ. Dẫu biết con đường phía trước của cô Nhân còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tin rằng bằng nghị lực và tình yêu nghề, mến trẻ cô sẽ mạnh mẽ vượt qua, trở thành tấm gương tiêu biểu cho đồng nghiệp, học trò noi theo.

T/h: Lan Anh, Nguyễn Hải

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập