Phụ nữ huyện Vân Hồ vươn lên trong phát triển kinh tế
Lượt xem: 173

    Không chỉ tự lực vươn lên, vài năm trở lại đây, nhờ sự đồng hành của Dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại hai tỉnh Sơn La, Lào Cai" hay còn gọi là dự án GREAT, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số của huyện Vân Hồ đã tự tin vượt lên chính mình, tham gia phát triển kinh tế, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.

    Đến thăm mô hình nhà lưới của gia đình chị Bàn Thị Thu, tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, một trong những hộ gia đình khá giả trên địa bàn với mô hình trồng rau sạch có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, là địa chỉ của nhiều chị em phụ nữ trong xã, trong bản đến học tập, làm theo. Chị Thu chia sẻ “Trước đây, gia đình chị cũng chỉ trồng ngô, sắn, lúa, mỗi năm thu vài ba triệu, cuộc sống không đảm bảo. Năm 2019 chị tham gia dự án giá trị chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap chất lượng cao của Công ty cổ phần Green Farm và được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà lưới để trồng rau sạch với tổng diện tích 614m², hệ thống tưới phun tự động, đảm bảo theo tiêu chuẩn. Sau năm đầu tiên triển khai dự án, chị Thu đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để trồng, chăm sóc các loại rau nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, nhà lưới của gia đình chị Thu đã có đa dạng các sản phẩm như cà chua, cải xoăn, cải bắp, su hào và một số loại rau trái vụ khác. Nhờ áp dụng quy trình Vietgap, toàn bộ sản phẩm của gia đình chị sau khi kiểm nghiệm đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Chị Bàn Thị Thu, Bản Suối Lìn, xã Vân Hồ cho biết thêm: Khi được dự án hỗ trợ, gia đình tôi cũng được tiếp cận các loại cây có giá trị cao như: cà chua beep, cà chua ru bi, ớt chuông…khi tham gia trồng rau trong nhà lưới sẽ tránh được sâu bệnh và ảnh hưởng của thời tiết. Ngoài ra khi tham gia dự án tôi còn được tập huấn các kiến thức về bình đẳng giới và tôi cũng đã tuyên tuyền cho các chị em trong bản và gia đình về bình đẳng giới, được chồng con ủng hộ, cùng chia sẻ công việc nhà, được tham gia  quyết định những công việc chung của gia đình.

    Còn trên địa bàn 3 xã Xuân Nha, Tân Xuân, Chiềng Xuân, hơn 60 chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đăng ký tham gia dự án phát triển chuỗi giá trị Măng sạch. Không phải là cây trồng gì xa lạ, nhưng với lối canh tác truyền thống, các sản phẩm măng ở 3 địa phương này thường không thu hút được người tiêu dùng, thạm chí giá bán ra rất thấp. Sau khi tham gia dự án của Great,  các chị được tiếp cận với quy trình sản xuất khéo kín, đảm bảo an toàn vệ sinh, mẫu mã đẹp. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhiều chị em tại 2 xã Xuân Nha, Tân Xuân cũng đã góp vốn thành lập HTX măng nhằm hỗ trợ thu mua và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho các hộ gia đình. Đặc biệt, năm 2020 sản phẩm măng nứa sấy khô của HTX Nông nghiệp Trung tâm Tân Xuân 269; Măng hốc muối của HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha đều đã đạt tiêu chuẩn 4 sao theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP.

    Bà Cao Thị Tâm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trung tâm Tân Xuân 269, xã Tân Xuân nói: Trước đây khi chưa tham gia dự án chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất; khi tham gia dự án chúng tôi được đầu tư hỗ trợ máy móc để sản xuất các sản phẩm về măng; giá trị sản phẩm làm ra cao hơn nhiều so với trước đây, từ đó nhiều chị em nâng cao thu nhập, thực hiện được quyền bình đẳng giới trong gia đình).

    Chị Hà Thị Huế, bản Tưn, xã Xuân Nha bày tỏ: Tham dự án chúng tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức về sản xuất và về bình đẳng giới, cảm thấy bản thân tự tin hơn)

    Với sự đồng hành, hỗ trợ từ các dự án của Great, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Vân Hồ không chỉ nắm chắc quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản hiệu quả, bền vững mà còn tích lũy được nhiều kỹ năng về marketing, quảng bá sản phẩm với 1 thị trường tiềm năng và giá cả ổn định. Từ những người phụ nữ dân tộc thiểu số giản dị, chân chất và ít va chạm, giờ đây các chị đã tự tin khởi nghiệp, phát triển kinh tế và khẳng định giá trị của bản thân.

    Chị Bàn Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Hồ nhấn mạnh: Trong thời gian 3 năm triển khai dự án Great đã thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất đối với chị em phụ nữ trên địa bàn huyện. Sau khi triển khai dự án, nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của nhiều chị em; qua các chương trình mà chị em tham gia đã thúc đẩy hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Đặc biệt là chương trình “bình đẳng giới” giúp cho các nam giới hiểu và chia sẻ công việc nhà với chị em phụ nữ để từ đó xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc hơn.

    Bên cạnh sự hỗ trợ về phát triển kinh tế, thông qua chiến dịch truyền thông “Hành trình hạnh phúc - Đồng hành cùng thành công của phụ nữ”, chị em được bày tỏ chính kiến của mình trong kế hoạch phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái và nhiều vấn đề trong cuộc sống, qua đó giúp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao sự tự tin, làm chủ cuộc sống; nam giới thấu hiểu, cùng chia sẻ với nữ giới trong các công việc gia đình, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, phát triển, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. 3 năm qua, chiến này đã được triển khai tổ chức tại 14 xã trong toàn huyện với sự tham gia của gần 3.000 hộ gia đình thuộc các tiểu dự án của Great.

    Chị Hà Thị Đào, Chủ tịch Hội LHPN xã Vân Hồ cho biết: Hội LHPN xã Vân có 14 chị hội, trong đó có 9 chi hội là các bản đồng bào dân tộc Mông. Trước đây do định kiến về giới, phụ nữ ít được đi học nên trình độ nhận thức còn rất hạn chế, hạn chế về sự tiến bộ KHKT nên thu nhập hộ gia đình chị em không ổn định, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn khá cao. Sau khi dự án Great triển khai một số mô hình như: Rau sạch, gạo tẻ râu; qua các chương trình dự án chị em được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về phát triển kinh tế nên nhiều chị em đã nâng cao kiến thức của mình và thany đổi hành vi, mạnh dạn trao đổi với chồng con về các công việc trong gia đình. Từ đó giúp chị em có thu nhập ổn định hơn, nâng cao vị thế của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. trong thời gian tới, hội phụ nữ xã rất mong muốn sẽ tiếp tục phối hợp với dự án Great nhân rộng mô hình lên toàn địa bàn xã, để chị em phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ người dân tộc Mông được tiếp tục được tiếp cận KHKT, nâng cao quyền năng kinh tế cho bản thân và hướng tới sự bình đẳng giới trên toàn xã hội)

    Bà Trần Minh Phương – Chuyên gia về giới, Dự án Great cho biết thêm: Trong chương trình Great, phụ nữ dân tộc thiểu số cùng với nam giới được khuyến khích tham gia vào tất cả các hoạt động của dự án và đặc biệt là việc nâng cao kiến thức cho chị em về kỹ thuật, tham gia vào các chuỗi giá trị rau, gạo, du lịch, chè. Bên cạnh đó, khuyến khích chị em nâng cao kiến thức về bình đẳng giới trong gia đình và trong tổ nhóm. Đây là 1 trong những chuỗi hoạt động của great để nâng cao kiến thức về bình đẳng giới cho cả phụ nữ, nam giới và các thành viên trong gia đình. Làm thế nào để phụ nữ được chia sẻ gánh nặng trọng gia đình, công việc và tăng quyền quyết định, không có bạo lực. Vì như thế, phụ nữ mới có tự tin và thực sự được trao quyền tham gia vào chuỗi các giá trị giúp cho gia đình, xã hội phát triển

    Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Hồ đang triển khai 7 dự án với tổng nguồn vốn trên 39 tỷ đồng, gồm dự án Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP Vân Hồ; dự án chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; Dự án mở rộng thúc đẩy nâng cao giá trị chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP trên địa bàn 2 huyện Vân Hồ, Mộc Châu; dự án cây giống và rau nhà lưới chất lượng cao; dự án phát triển chuỗi giá trị Măng sạch; dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gai xanh; dự án xây dựng vùng nguyên liệu cây chanh leo cho Nhà máy chế biến của Công ty Nafoods Tây Bắc; dự án phát triển chuỗi giá trị gạo đặc sản tại tỉnh Sơn La. Sau 4 năm triển khai, các dự án đã thu hút hơn 1.500 chị em phụ nữ tham gia, qua đó giúp hơn 50 chị em thoát nghèo, thu nhập bình quân đạt từ 70-100/triệu đồng/hộ/năm. Dự kiến trong năm 2021 và những năm tiếp theo, dự án sẽ mở rộng xây dựng 18 tiểu dự án liên quan đến các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch.

    Ông Lê Anh Tuấn, Cố vấn kinh doanh dự án GREAT tỉnh Sơn La nói: Dự án Great được triển khai tại huyện Vân Hồ từ những năm 2018 với các lĩnh vực khác nhau như: Rau, chè, chanh leo, gạo tẻ râu, gai xanh…; chị em cũng rất tự tin chuyển từ những loại cây có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Việc tổ chức sản xuất tốt cũng đã giúp cho doanh nghiệp tự tin và dễ dàng hợp tác với người nông dân thông qua kí kết các hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Dự án cũng đã giúp cho huyện Vân hồ hình thành sản phẩm hàng hóa rõ rệt và tất cả những sản phẩm đó đều theo chuỗi giá trị, đây là một trong những thay đổi rõ rệt nhất của huyện, từ những vùng sản xuất nhỏ lẻ hình thành vùng sản xuất hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực của huyện, tiến tới sẽ giúp cho huyện nhân rộng và đẩy mạnh các mô hình, giúp bà con có thu nhập ổn định.

    Chị em phụ nữ huyện Vân Hồ, nhất là chị em người dân tộc thiểu số đã và đang dần bứt phá vươn lên, khẳng định bản lĩnh và năng lực bản thân. Kinh tế phát triển, phụ nữ tự làm chủ cuộc sống của mình cũng như tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong gia đình, thậm chí nhiều chị em đang giữ các cương vị cán bộ chủ chốt trong cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, HTX - Đó là hành trình làm thay đổi quan điểm về vấn đề bình đẳng giới, tư duy, cách nhìn của cả cộng đồng về vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là trong sản xuất và kinh doanh. Các chị xứng đáng là những “bông hoa đẹp” tràn đầy tự tin, tự trọng của thế kỷ 21.

T/h: Sa Vy, Thanh Tùng

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập